Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.K.
Chiều 17-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội - cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ thực hiện giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của chính quyền TP cùng các cơ quan trực thuộc và cơ quan tư pháp. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu liên quan tới các khối chính quyền.
Có thể các đại biểu ngại vì là giám sát tôi. Nhưng ở đây, chúng ta không ngại mà cần làm đúng vai. Đại biểu Quốc hội cần làm việc có trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật. Nếu có trường hợp chưa làm tròn vai thì cần góp ý để thực hiện tốt hơn.
CHỦ TỊCH UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI
Theo ông Mãi, hoạt động giám sát nhằm tìm ra và chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị. Trong thời gian tới, ông mong muốn từng đại biểu sẽ phát huy sở trường, quan hệ của mình để đóng góp cho hoạt động chung của trung ương, Quốc hội và sự phát triển của TP.HCM.
Nói về việc này, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết sau khi Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát, cho ý kiến, UBND TP sẽ triển khai thực hiện.
Theo bà Tuyết, hoạt động giám sát còn giúp chủ tịch UBND TP trong công tác điều hành. Ngoài việc UBND TP báo cáo, chủ tịch UBND TP sẽ có thêm kênh khác, góc nhìn khác để đánh giá hoạt động là Đoàn đại biểu Quốc hội TP.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2022, TP sẽ có kế hoạch bố trí để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị mình ứng cử. Trong công tác giám sát, đoàn sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề, vụ việc kéo dài.
Cần giải quyết dứt điểm bức xúc kéo dài của người dân
Đại biểu Trần Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1 - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.K.
Trao đổi tại hội nghị, đại biểu Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng trong công tác xây dựng pháp luật của năm 2022, đoàn cần tập trung chuẩn bị nghị quyết thay thế cho nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Ông Ngân cho rằng đây là công việc chính của UBND TP, tuy nhiên, các đại biểu cần có sự gắn kết trong khâu chuẩn bị. Sau khi hoàn thành việc tổng kết, đánh giá, TP cần chuẩn bị sẵn đề án để thay thế cho nghị quyết 54.
Đại biểu Trần Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1 - kỳ vọng trong thời gian tới, thông qua hoạt động giám sát và tham mưu, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt các vụ việc kéo quá dài.
Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các đại biểu có thể làm việc thêm với các cơ quan chuyên ngành để tìm phương hướng giải quyết.
"Hằng ngày, chúng tôi vẫn nhận được nhiều đơn thư, tin nhắn phản ánh từ người dân. Nếu các vấn đề của người dân vẫn kéo dài, các đại biểu Quốc hội sẽ có điều gì đó còn trăn trở", bà Yến nói.