Việc Metro Hà Nội diễn tập không báo trước hôm 7-12 đã gây phản ứng tiêu cực từ hành khách của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Vậy nhưng, trong trao đổi mới nhất với báo chí, đơn vị điều hành cho biết vẫn sẽ tiếp tục diễn tập sự cố không báo trước cho khách đi tàu.
Bình luận với PLO, luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng cách làm việc của Metro Hà Nội là không tôn trọng khách hàng.
Theo luật sư, bất kì một sản phẩm dịch vụ khi đưa vào khai thác thì đều phải trải qua các bước kiểm nghiệm, thử nghiệm… Không có quy định pháp luật nào cho phép tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác mà vẫn tiếp tục lấy khách hàng ra làm “chuột bạch”.
Cụ thể, nếu chiếu theo Luật Đường sắt và quy chuẩn Việt Nam năm 2018, trong việc khai thác sử dụng các toa, vận hành đường tàu (kể cả đường sắt đô thị) thì không có một quy định nào cho phép đơn vị vận hành nào được dừng tàu đột xuất với lí do để “thử nghiệm” vận hành.
Trường hợp cần thiết diễn tập cho sát điều kiện khai thác, Công ty Metro Hà Nội phải báo trước và hành khách có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia.
Hôm 21-11, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức đi vào khai thác thương mại. Ảnh: PHI HÙNG
“Việc Metro Hà Nội đưa ra lí do tạo ra sự bất ngờ là hoàn toàn không phù hợp. Đây là đơn vị kinh doanh, vé phát hành cho khách hàng là hợp đồng giao dịch dân sự vận tải giữ các bên.
Trong hợp đồng mẫu hay theo quy định của pháp luật thì đơn vị vận chuyển phải đặt ra nguyên tắc tôn trọng, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách lên hàng đầu” - luật sư Tuấn Anh nói.
Vị luật sư cũng cho rằng, việc Metro Hà Nội đưa ra lỗi vận hành, dừng đoàn tàu với mục đích “diễn tập” mà không thông báo trước, đã gây hoang mang, làm chậm giờ di chuyển của hành khách, thiệt hại về mặt tinh thần, lẫn tài sản của người dân.
“Ví dụ: Một hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông để đến giao dịch hợp đồng quan trọng của công ty mình. Nhưng do buổi diễn tập không được báo trước, hành khách này không thể đến được địa điểm ký hợp đồng như dự kiến, khiến đối tác bỏ về… Điều này không chỉ gây thiệt hại về mặt tài sản, tinh thần mà còn ảnh hưởng về hình ảnh của công ty anh ta trong mắt đối tác.
Đây chỉ là sự cố diễn tập dừng tàu, nhưng nếu diễn tập khủng bố, cháy nổ, tai nạn… thì sẽ thế nào? Hoặc trường hợp không may có xảy ra sự cố thật thì khách hàng cũng có thể cho đó chỉ là diễn tập, dẫn đến chủ quan, hậu quả sẽ ra sao?
Vì vậy, nếu buổi diễn tập trên là thật thì Metro Hà Nội đã không khôn ngoan” - ông Anh chia sẻ.