Nông sản ùn ứ do đầu ra xuất khẩu ách tắc
Đó cũng chính là nỗi lo của bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc này khi hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp thu mua cũng đang phải tạm dừng.
Hiện nay, một vựa trái cây tại Tiền Giang đang trống trơn bởi doanh nghiệp không dám thu mua vào, trong khi trước đó ở đây rất tấp nập.
Công ty TNHH Tâm Thùy đang tạm thời ngưng thu mua 2 loại trái cây gồm mít và sầu riêng bởi 5 container hàng còn đang kẹt tại cửa khẩu không biết đến bao giờ mới được thông quan. Không tấp nập lên xuống hàng, công nhân chỉ còn cách sơ chế mít cầm chừng.
Lưu thông hàng nông sản ách tắc, doanh nghiệp bắt buộc phải giảm lượng thu mua. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Lưu thông hàng nông sản ách tắc, doanh nghiệp bắt buộc phải giảm lượng thu mua. Các loại rau quả như: thanh long, mít, dưa hấu, sầu riêng… bắt đầu giảm giá từ 20 - 30% và khó tiêu thụ. Trong khi khả năng chế biến, lưu trữ nông sản ở các địa phương còn yếu.
"Các doanh nghiệp có làm ăn với Trung Quốc cần phải cập nhật tình hình ở cửa khẩu để điều chỉnh kế hoạch gia công, đóng gói, thu hoạch hoặc vận chuyển", ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo.
Nông sản ùn ứ với sản lượng lớn tại cửa khẩu. Tuy nhiên, một số container hàng vẫn tiếp tục lên đường, dự kiến thời gian thông quan sẽ kéo dài từ 5 ngày lên gấp 3 lần. Những chuyến hàng may rủi như thế này đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí mất trắng.
Giải pháp giảm ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu
Biết là ùn ứ, nhưng những chiếc xe container vẫn lên đường và hậu quả là những chiếc xe hàng cứ nối dài lên từng ngày tại khu vực cửa khẩu chính của tỉnh Lạng Sơn. Tính đến cuối giờ chiều nay (17/12), lượng xe đang chờ xuất sang biên giới đã lên đến 4.500 xe - kỷ lục từ trước đến nay.
Như vậy thời điểm này, thông tin thông suốt từ Lạng Sơn tới các địa phương là rất cần thiết. Vai trò của địa phương rất quan trọng khi cập nhật thông tin ùn ứ đến doanh nghiệp của tỉnh mình, tránh tình trạng doanh nghiệp thiếu thông tin vẫn ùn ùn đưa hàng lên biên giới, gây thiệt hại và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
200 xe là số lượng xe trung bình được thông quan mỗi ngày qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Nếu không có xe tiếp tục lên biên giới thì cũng phải mất ít nhất 10 - 15 ngày mới có thể thông quan hết, lượng xe hàng đang ùn ứ tại 3 cửa khẩu chính của địa phương này.
Xuất đi đã khó, trong khi trung bình vẫn có 600 - 800 xe nông sản đổ lên mỗi ngày, gây áp lực lớn cho hạ tầng bến bãi cũng như công tác phòng chống dịch tại các cửa khẩu.
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tổ chức 3 cuộc điện đàm trực tuyến và gửi 14 Công thư tới các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, nhằm trao đổi các nội dung, khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, Bộ đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Xe tập kết chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN)
"Chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, như Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Vinmart...", ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh.
"Chúng ta cần tập trung ở khâu chế biến bảo quản và dự trữ ở tại cơ sở để tạo nguồn hàng tập trung vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm lượng trả hàng là cao nhất", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định.
Các giải pháp lâu dài bền vững nhất vẫn là việc chúng ta cần chuyển đổi hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, tức là mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu chính.
Cùng với đó, người dân và doanh nghiệp phải cập nhật những thay đổi mới nhất về tiêu chuẩn giám sát an toàn thực phẩm của phía bạn sẽ có hiệu lực trong năm tới để tránh trường hợp bị gửi trả về.
Trong lúc tính các giải pháp lâu dài như xây dựng trung tâm kho lạnh ở các vùng biên giới, hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương lên phương án, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho đông lạnh địa phương. Các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng kiểm tra chất lượng nông sản khi xuất sang Trung Quốc khi quốc gia này tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Chuẩn bị kỹ sẽ thông quan nhanh hơn.
VTV.vn - Thời gian gần đây, hàng nghìn xe container chở hàng nông sản ùn ứ, chờ đợi làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.36465739171211202-ar-uad-ohc-nas-gnon-nat-nihgn-gnah/et-hnik/nv.vtv