Núp trong "bóng tối" của các trang đánh bạc qua ví điện tử MoMo, các đối tượng lập trang dễ dàng dựng lên các sòng bạc trực tuyến với mã nguồn trôi nổi, được rao bán trên mạng chỉ với giá vài triệu đồng.
Bỏ tiền để mua sự uy tín
Vừa qua, Báo Lao Động có bài viết phản ánh về tình trạng "Đánh bạc qua ví điện tử" đưa thông tin về những trang đánh bạc trực tuyến đang lợi dụng công cụ là ví điện tử MoMo để hoạt động.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia bảo mật bằng nghiệp vụ của mình đã tìm ra ít nhất gần 15 tài khoản mạng xã hội ra sức quảng bá cho các trang đánh bạc qua ví điện tử.
Đáng chú ý, vị này chia sẻ, đa phần các đối tượng trên để tạo độ uy tín cho mình đã đóng tiền bảo hiểm ở một trang web có địa chỉ checkscam.info. Đây là trang web nổi tiếng trong giới kiếm tiền online để kiểm tra các tài khoản lừa đảo.
Bằng việc bỏ tiền đóng bảo hiểm ở các trang này, người sử dụng bình thường sẽ khó tìm được các dấu vết lừa đảo, trục lợi hay mạo danh của các đối tượng.
Điển hình như một tài khoản mang tên N.H.D, trên trang cá nhân của người này liên tục đưa các thông tin quảng cáo cho các website đánh bạc ví điện tử như cltxmmo88, chanlemomo, winmomo, gogo88... Theo ghi nhận, người này đã đóng 50 triệu đồng tiền bảo hiểm trên trang web checkscam.info nêu trên.
Hay như một tài khoản khác có tên N.D quảng cáo cho các trang đánh bạc như: vaobo247, chanlemomo... đã đóng gần 9 triệu đồng bảo hiểm để tạo dựng uy tín cho mình.
"Đó là những đối tượng mà tôi có được những thông tin căn bản. Từ đây, họ liên tục quảng bá dịch vụ, kéo khách về chơi trên các trang đánh bạc. Ngoài ra, còn rất nhiều trang cờ bạc tài xỉu, chẵn lẻ khác đang tồn tại.
Thường thì các bạn trẻ chơi trò chẵn lẻ tài xỉu này vì không tốn nhiều để chơi, dễ dẫn tới bị nghiện vào trò này. Nhưng tỉ lệ thắng rất thấp, các chủ trang cờ bạc có thể thay đổi thuật toán để lừa đảo và có thể đóng cửa trang bất kỳ lúc nào để ôm tiền của người chơi.
Những trang cờ bạc bịp kiểu này thường chạy quảng cáo trên Youtube, SEO Google, Telegram, Facebook và Messenger Box... để lôi kéo người chơi. Có một số còn thuê hẳn KOL Streamer trên YouTube và Facebook để PR cho trang của họ" - chuyên gia bảo mật cho biết.
Xây dựng những trang đánh bạc
Theo tìm hiểu của PV, những đối tượng đã mua bán danh tính cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ví tài khoản online MoMo - nhằm mục đích cho việc vận hành website chẵn lẻ tài xỉu MoMO được trơn tru, ẩn danh và kéo dài.
Để tạo dựng những trang web như vậy, theo chuyên gia bảo mật, các đối tượng phải sở hữu những mã nguồn để tuỳ biến giao diện. Cụ thể, những mã nguồn về chẵn lẻ tài xỉu MoMo và các loại hình khác được chia sẻ với nhiều cách thức đã làm cho hoạt động phạm pháp của các đối tượng trở nên dễ dàng.
Theo đó, cách đầu tiên, những mã nguồn web đánh bạc có thể lấy được từ các hội nhóm hay trang web chuyên mua bán mã nguồn lừa đảo, đánh bài, tài xỉu. Mức giá dao động từ 100.000 đồng cho lên đến 300.000.000 đồng.
Ngoài ra, cũng có những website dành riêng để mua bán chia sẻ những mã nguồn trang đánh bạc bị đánh cắp, rò rỉ.
Như trên một trang có địa chỉ v4u.xxx, hàng loạt các bài viết với nội dung mua bán, trao đổi mã nguồn web đánh bạc như: "Share bộ mã nguồn cài đặt game bài đã test, cài đặt là chạy"; "Bán source code web tài xỉu, xóc đĩa"...
"Cuối cùng là đến những coder - lập trình viên chuyên nghiệp, những người chuyên tạo hoặc được thuê để tạo mã nguồn - bán cho các đối tượng khác nhằm nhiều mục đích từ lừa đảo đến cờ bạc bịp, trá hình... là chuyện diễn ra rất đỗi bình thường trong thế giới ngầm kiếm tiền online. Giá một mã nguồn đem bán có thể từ vài triệu đồng trở lên" - chuyên gia bảo mật chia sẻ với PV.
Trước đó, theo thống kê sơ bộ của PV, có khoảng 150 web đánh bạc qua hình thức kiểu “chẵn lẻ MoMo” đang hoạt động. Để trốn tránh sự truy vết, chủ những trang đánh bạc qua ví điện tử đã thuê lại các tài khoản MoMo để đứng ra nhận tiền của khách. Mức thuê chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tuần.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện ví điện tử MoMo cho biết, hàng tuần hoặc vài tuần, Momo đều có báo cáo đến Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) về danh sách các tài khoản, website nào có hành vi lừa đảo.
Lần gần nhất là ngày 17.11, Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo) đã có văn bản gửi A05 kiến nghị điều tra, xử lý đối với 18 website và 81 tài khoản ví điện tử là ví nhận tiền cá cược/đánh bạc. Đơn vị này cũng gửi kèm theo thông tin chủ tài khoản, thông tin liên kết ngân hàng để A05 xác minh, xem xét.
Đe dọa, uy hiếp chuyên gia an ninh mạng
Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng, Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (đơn vị chuyên đưa ra các cảnh báo về độ an toàn của các website, tài khoản mạng xã hội) - cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, đơn vị cũng liên tục nhận được các phản ánh của người dùng internet tại Việt Nam, đa phần ở độ tuổi học sinh, về các trang web chơi game "chẵn lẻ MoMo" là cờ bạc trá hình và có dấu hiệu lừa đảo.
Sau khi xác minh phản ánh là đúng, thông tin được gửi đến các cơ quan chức năng đồng thời tiến hành thực hiện các thao tác kỹ thuật cảnh báo người dùng mạng về độ an toàn của các website này. Tuy vậy, sau đó, ông Hiếu cùng một số thành viên của công ty đã bị các đối tượng đứng sau các web cờ bạc "chẵn lẻ MoMo" đe dọa, uy hiếp trên mạng xã hội.
Xem thêm: odl.336589-iot-gnob-auc-neiv-hnirt-pal-gnuhn-cab-hnad-omom-naohk-iat-euht/et-hnik/nv.gnodoal