Hội đồng quản trị Tổng CTCP Vinaconex (MCK: VCG) vừa công bố quyết định về việc mua cổ phần để nâng tỉ lệ sở hữu của Vinaconex lên 51% tại CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC; MCK: VCR).
Cụ thể, Vinaconex sẽ mua 57,82 triệu cổ phiếu VCR từ 17 cá nhân, trong đó 16 cá nhân chuyển nhượng mỗi người 3,528 triệu cổ phiếu và 1 cá nhân chuyển nhượng 1,372 triệu cổ phiếu.
Giao dịch thành công, Vinaconex sẽ tăng sở hữu Vinaconex ITC từ 49,28 triệu đơn vị lên 107,1 triệu đơn vị, tỉ lệ tăng từ 27,5% lên 51%.
Sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu VCR tăng kịch trần lên 47.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 17/12). Đồng thời, thanh khoản cũng tăng cao với 1,8 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 298 nghìn đơn vị trong phiên giao dịch.
Ước tính tại vùng giá này, Vinaconex phải chi khoảng 2.700 tỷ đồng để mua đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký.
Vinaconex-ICT được thành lập năm 2008 trên cơ sở Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà thuộc Vinaconex với nhiệm vụ chính là thực hiện dự án khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina). Đây là dự án có diện tích 172 ha với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Về tình hình kinh doanh, quý III vừa qua là quý thứ 11 liên tiếp Vinaconex–ICT thua lỗ. Giải trình từ phía doanh nghiệp, VCR cho biết đơn vị không ghi nhận doanh thu do đang trong giai đoạn đầu tư dự án nên chưa có sản phẩm. Kết quả, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay âm gần 11 tỷ đồng, "đậm" hơn khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
Còn về Vinaconex, quý III, doanh thu thuần đi ngang ở mức 1.268 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm từ 2.185 tỷ đồng xuống 109 tỷ đồng do trong quý III/2020 công ty đã thoái toàn bộ vốn sở hữu tại Đầu tư và Phát triển năng lượng Vinaconex, Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh và Giáo dục Phúc Yên. Lợi nhuận sau thuế quý III giảm 90% về 109 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 5% xuống 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 75% về gần 358 tỷ đồng.
Năm 2021, tổng công ty đặt kế hoạch 12.230 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, VCG đã hoàn thành 29,5% chỉ tiêu doanh thu và hơn 35% mục tiêu lợi nhuận.
Đến cuối quý III, quy mô tổng tài sản đạt hơn 30.840 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần đầu năm nhờ tài sản ngắn hạn tăng 62% lên 21.680 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn gần gấp đôi lên 14.263 tỷ đồng do tăng mạnh phải thu hợp đồng đặt cọc mua bán và khoản trả trước cho người bán liên quan đến các dự bán xây lắp.
Việc tăng các khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 1.154 tỷ đồng (cùng kỳ âm 225 tỷ đồng). Nhờ đi vay hơn 10.341 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ đã bù đắp cho thâm hụt từ hoạt động kinh doanh. Khoản tiền và tương đương tiền giảm 34% xuống 1.322 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng từ hơn 2.350 tỷ lên 7.721 tỷ đồng. Nợ vay tăng 140% lên 10.316 tỷ đồng, trong đó khoản vay dài hạn gấp 3,3 lần lên 7.135 tỷ, chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu. Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 135%.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 17/12, cổ phiếu VCG cũng tăng kịch trần ở mức 48.800 đồng/cổ phiếu.