Ba ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới - gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu - đồng loạt triển khai những bước đi quyết đoán trong vòng 24 giờ để đối phó tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng phi mã.
Theo báo The New York Times, với "bộ ba" trên, Omicron là một mối đe dọa kinh tế nhưng vẫn chưa thể sánh được với tình trạng lạm phát tăng nhanh chưa từng thấy.
Người dân mua thực phẩm tại một ngôi chợ ở TP Frankfurt – Đức. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lập kỷ lục trong gần 40 năm trở lại đây trong khi lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cao chưa từng có kể từ năm 1997.
Xu hướng tương tự diễn ra tại Anh, nơi giá cả hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng vượt mức dự đoán. Ngân hàng Anh ngày 16-12 bất ngờ nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm trở lại đây để kiềm chế lạm phát, vốn đã chạm mức cao kỷ lục trong một thập kỷ qua.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu xác nhận sẽ dừng chương trình thu mua trái phiếu vào tháng 3-2022. Một ngày trước đó, FED thông báo kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, đồng thời tăng tốc thu hẹp quy mô chương trình thu mua trái phiếu.
Những động thái trên được triển khai sau khi cả 3 ngân hàng xác định lạm phát không mang tính chất tạm thời như suy đoán ban đầu, bởi giá năng lượng đã tăng trở lại và chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thông suốt.
Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey ngày 16-12 cho biết nước này đang xem lạm phát hiện nay mang tính trung hạn và điều này buộc họ phải hành động dù tác động kinh tế của Omicron vẫn là một ẩn số.
Trong khi đó, giới hoạch định chính sách đang giả định rằng ảnh hưởng kinh tế do Omicron gây ra sẽ ít nghiêm trọng hơn so với những đợt lây nhiễm trước đó, bởi tác động kinh tế của Covid-19 có xu hướng suy giảm sau mỗi đợt dịch.
Xem thêm: nhc.30871659081211202-pek-aod-ed-tam-iod-uac-naot-et-hnik/nv.fefac