Đây là một vài trong nhiều người thuộc Gen Y (sinh năm 1980 - 2000) được CNBC Make It phỏng vấn cho chuỗi bài Millennial Money về cách kiếm, tiêu và tiết kiệm tiền của năm 2021. Đó là một nhà đầu tư bất động sản 25 tuổi kiếm được hơn nửa triệu USD mỗi năm; một gia đình đi du lịch khắp đất nước bằng xe RV hay một người nhập cư thế hệ đầu tiên hy vọng được dạy cho những người khác trong cộng đồng của mình về tài chính cá nhân…
Cùng với việc liệt kê chi tiết ngân sách hàng tháng của mình, họ cũng chia sẻ kinh nghiệm xương máu và đưa ra lời khuyên về tài chính, sự nghiệp và hành trình đạt đến giấc mơ của họ.
Bạn luôn có thể bắt đầu lại
Vào cuối năm 2019, vợ chồng Karen và Sylvester Akpan có khoản nợ sinh viên tổng hơn 110.000 USD và đang phải trả 4.200 USD mỗi tháng tiền thuê căn nhà 5 phòng ngủ ở California, Mỹ.
“Sự thật là chúng tôi rất nghèo. Và tôi từng tự đặt câu hỏi là tại sao chúng tôi lại phải sống cuộc sống như vậy, tại sao luôn phải cố gắng duy trì cuộc sống như vậy?”, Karen nói với CNBC Make It.
Vợ chồng Karen và Sylvester Akpan. Ảnh: CNBC Make It. |
Hai vợ chồng biết rằng phải từ bỏ một thứ gì đó. Khi có cậu con trai Aiden, hiện 8 tuổi, họ quyết định bán nhà và sống trên một chiếc RV (xe chuyên dụng cho những chuyến đi xa) vào đầu năm 2020. Giờ đây, họ đi du lịch khắp đất nước, kiếm tiền thông qua việc viết blog và tham gia các chiến dịch trên mạng xã hội. Họ đã trả xong nợ vay thời sinh viên và đang tập trung vào việc đầu tư cũng như xây dựng tài sản cho con trai.
Cặp đôi cho biết việc bắt đầu lại như họ đã làm thật đáng sợ, song kết quả cuối cùng lại rất xứng đáng. “Không đời nào chúng tôi quay lại ở trong một ngôi nhà hay theo đuổi một công việc nào đó hay bất kỳ điều gì như thế. Chúng tôi yêu tự do, thích làm việc cho chính bản thân mình, trở thành doanh nhân, và những gì tự do đã mang lại cho chúng tôi”.
Luôn có kế hoạch B
Destiny Adams làm việc trong chính quyền bang Michigan với tư cách là chuyên gia về phúc lợi trẻ em, với mức lương khoảng 60.000 USD mỗi năm. Đó không phải là công việc thú vị nhất nhưng mang lại cho cô sự ổn định và các quyền lợi như bảo hiểm sức khỏe.
Tuy nhiên, thứ thực sự truyền cảm hứng cho cô nằm ở những việc cô ấy làm ngoài giờ. Adams đang vận hành kênh tư vấn kinh doanh trên YouTube và Destite Hair Collection, một công ty nhỏ chuyên bán tóc giả và nối tóc.
|
Destiny Adams. Ảnh: CNBC Make It. |
“Công việc làm từ 9h sáng đến 5h chiều thực sự sẽ hạn chế thu nhập của bạn”, Adams nói. Nhưng nếu là một doanh nhân, bạn sẽ nhận ra là luôn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu bạn tăng sản lượng của mình. “Tôi là người thích có quyền kiểm soát đó”.
Đối với Adams, việc có các nguồn thu nhập khác nhau khiến cô an tâm hơn rằng bản thân luôn có thể sống một cuộc sống mà mình mong muốn.
“Nếu có chuyện gì đó xảy ra với công việc toàn thời gian hiện tại thì tôi vẫn còn có salon của mình. Còn nếu salon xảy ra chuyện gì thì tôi vẫn còn thu nhập từ YouTube. Và nếu thu nhập từ YouTube của tôi có vấn đề thì tôi cũng đã có thương hiệu cá nhân của mình rồi”, Adams chia sẻ.
Không bao giờ là quá muộn để học hỏi
Ở tuổi 38, JD Wilson vẫn đang học cách lập ngân sách.
“Tôi không giỏi về tiền bạc và đó có lẽ là một trong những khuyết điểm lớn nhất của tôi và là điều tôi cần nỗ lực nhất để đạt được. Nhưng tôi đang học hỏi và sẽ luôn học hỏi mỗi ngày”, Wilson nói.
|
JD Wilson. Ảnh: CNBC Make It. |
Wilson đóng cửa Lead U, công ty do anh thành lập chuyên tổ chức các buổi hội thảo về trao quyền tại các trường học trên khắp nước Mỹ, trong đại dịch Covid-19. Anh cũng bán hầu hết đồ đạc và chuyển từ New Jersey tới Hawaii để làm giáo viên dạy lớp 3.
Hawaii đắt đỏ hơn New Jersey nhưng Wilson đang học cách để quản lý tiền bạc. Ngoài tiền thuê nhà, mua đồ ăn và thanh toán nợ sinh viên, anh không chi tiêu vào nhiều việc khác. Wilson thích lối sống tối giản. Anh ấy yêu Hawaii và cộng đồng mới của mình và thời gian ở đó đã giúp Wilson nhận ra mình thực sự muốn gì trong cuộc sống.
Đầu tư vào bản thân
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở New York City vào đầu năm 2020, Emma Sadler gần như ngay lập tức mất công việc quản lý nhà hàng cho Union Square Hospitality Group tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại.
Cô từng tìm việc làm mới trong ngành công nghiệp thực phẩm nhưng không thành công. Cuối cùng, Sadler quyết định tham gia một chương trình UX (chương trình giáo dục nhập vai nhằm đưa các cá nhân từ người mới bắt đầu trở thành người sẵn sàng làm việc ở mọi lĩnh vực trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến một năm) với hy vọng có thể tìm được một công việc khác trong lĩnh vực hoàn toàn mới. Khóa học có giá 12.000 USD, gần bằng 1/4 thu nhập mỗi năm trước đây của cô. Tuy nhiên, Sadler biết rằng mình sẽ nhận lại được những cơ hội nghề nghiệp mới.
|
Emma Sadler. Ảnh: CNBC Make It. |
“Việc đó thật đáng sợ. Tôi nhớ mình đã tâm sự với mẹ tôi rất nhiều, như ‘Con có quyết định đúng không? Có đáng để làm như vậy không? Con có điên khi vung tất cả số tiền mình có vào việc này không?’”, cô nói.
Hiện tại, bà mẹ đơn thân này kiếm được khoảng 60.000 USD mỗi năm với tư cách là một nhà thiết kế UX. Và cô biết mình còn rất nhiều cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp và có thể sớm có thu nhập 6 con số.
“Bạn không cần phải có tấm bằng đại học 4 năm để giúp mình chạm tới con đường tuyệt vời về tài chính. Ngay cả trong thời kỳ đen tối, bạn vẫn có thể kiểm soát được cuộc sống của mình và đưa mình tới con đường khiến bạn thực sự hạnh phúc”, Sadler chia sẻ.
Tiền không phải là tất cả
Khi còn nhỏ, Jason Y. Lee tin rằng chỉ cần kiếm được mức thu nhập 6 con số thì chứng tỏ anh đã thành công. Và khi tốt nghiệp đại học, Lee đã làm được điều này khi trở thành một chuyên gia tư vấn ở tuổi 21. Tuy nhiên, sau đó vài năm, Lee suy nghĩ lại mọi thứ mà anh ấy tin là có thể giúp anh xây dựng cuộc sống.
|
Jason Y. Lee. Ảnh: CNBC Make It. |
Anh bỏ công việc tư vấn của mình vào năm 2012 để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận cùng với anh trai của mình và tất nhiên, nhận lương không đồng. Cuối cùng, công ty này sau đó trở thành Jubilee Media và lương hàng năm của Lee tăng từ 0 lên 30.000 USD, rồi lên 60.000 USD và hiện là 97.000 USD.
Con số này thấp hơn nhiều những gì anh kiếm được khi còn làm công việc tư vấn, song với Lee, sự thỏa lòng mà anh ấy tìm thấy trong công việc hiện tại lại rất đáng để anh từ bỏ mức lương cao hơn.
“Tôi thấy mình được học hỏi và trưởng thành mỗi ngày. Điều hành công ty riêng đã thực sự thay đổi cách tôi nghĩ về tiền bạc và thành công”, Lee nói.
Theo Thanh Long (Theo CNBC)
NDH