F0 Hà Nội được điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà - Ảnh: Thành ủy Hà Nội
Ngày 17-12, Hà Nội tiệm cận ngưỡng 1.500 ca COVID-19, đây là số ca bệnh kỷ lục ghi nhận trong vòng 24 giờ từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại TP này.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện TP đang điều trị cho hơn 10.000 F0, trong đó gần 50% đang được điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động.
Số ca bệnh tăng nóng, số F0 được điều trị tại nhà ở Hà Nội cũng tăng theo tỉ lệ. Việc các trường hợp trên đang được điều trị, phát thuốc như thế nào, liên hệ với y tế ra sao khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe được nhiều người quan tâm.
Theo văn bản phân cấp độ dịch từ UBND TP Hà Nội, quận Đống Đa hiện nay là quận duy nhất tại Hà Nội đang ở cấp độ dịch 3 (vùng cam).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa - cho biết hiện ngành y tế quận đảm bảo 100% F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A theo yêu cầu của Bộ Y tế.
"Trên địa bàn quận Đống Đa đang có 212 F0 đang điều trị tại nhà. Ngoài ra, tại các trung tâm y tế lưu động trên địa bàn quận cũng có hơn 200 F0 đang được thu dung, điều trị", ông Tuấn thông tin thêm.
Ông Nguyễn Hải Hà - phó chủ tịch phường Cống Vị, quận Ba Đình - cho biết phường đang cách ly 19 F0 thể nhẹ tại nhà và tất cả đều được cấp túi thuốc A để điều trị COVID-19 theo quy định.
"Hiện chúng tôi cũng không gặp khó khăn gì trong việc cấp thuốc cho các ca COVID-19 điều trị tại nhà. Ngoài ngân sách, chúng tôi cũng huy động thêm nguồn xã hội hóa của các nhà thuốc, các cơ sở y dược tư nhân trên địa bàn nên đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh", ông Hà nói.
Về tình hình sức khỏe của các F0 đang điều trị tại nhà, ông Hà cho biết tất cả đều đang được đảm bảo và tổ COVID cộng đồng sẽ thường xuyên trao đổi với các bệnh nhân về tình trạng sức khỏe để có các hướng điều trị phù hợp.
"Để giảm nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi với người bệnh. Tổ COVID cộng đồng thường xuyên trao đổi với các F0 tại nhà qua điện thoại cũng như các ứng dụng Zalo, Facebook...
Có vấn đề gì các bệnh nhân sẽ gọi, nhắn cho nhân viên y tế và tổ COVID cộng đồng qua các nền tảng trên để phản ánh về tình trạng sức khỏe của mình, nên các F0 luôn được hỗ trợ kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường", ông Hà thông tin thêm.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Cao Cương - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin - truyền thông xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi F0 tại nhà.
"Sở đã phối hợp đội ngũ y bác sĩ, các chuyên gia phần mềm để xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi F0 trên địa bàn thành phố theo quy định về phân tầng, theo dõi, quản lý F0 tại nhà của Bộ Y tế", ông Cương nói.
Ông Cương thông tin thêm, hiện Sở Y tế đã triển khai thí điểm tại quận Long Biên, triển khai tập huấn cho toàn bộ trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn của TP trong suốt 2 tuần vừa qua.
Đến nay, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn của TP.
Trước đó, nhiều F0 theo dõi tại nhà ở Hà Nội phản ánh tình trạng không được cấp phát thuốc hoặc phải đợi chờ thời gian dài mới được phát thuốc điều trị COVID-19. Một số F0 khác còn bị "bỏ rơi" không được điều trị, hoặc không gọi được cho ngành y tế cơ sở để thông báo về tình trạng sức khỏe cũng như được hướng dẫn điều trị.
Về việc trên, vị lãnh đạo Sở Y tế TP nói sẽ do trạm y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (do chính quyền địa phương thành lập) cấp phát, hiện các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định và người bệnh có thể liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn cụ thể.
TTO - Bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh, số bệnh nhân tầng 2 - bệnh nhân ở mức độ trung bình - tăng cao khiến nhiều bệnh viện lo quá tải điều trị.