Cư xử của người mẹ chồng trong phim Thương ngày nắng về khiến khán giả bức xúc - Ảnh: ĐPCC
Hàng loạt ý kiến chỉ trích bà Hiền được viết trên trang fanpage phim, trên YouTube của các trích đoạn: “Xem mà không chịu được cách cư xử của bà mẹ chồng, sao lại có những kiểu người như vậy?”, “Mẹ chồng này hãm nhất màn ảnh Việt”, “Bà mẹ chồng lươn lẹo, đưa đẩy. Sợ vãi”…
Diện những trang phục đầy màu sắc, trang điểm lòe loẹt, bà Hiền trong 15 tập phim đã phát sóng được xây dựng như một nhân vật “đáng ghét”, hành hạ con dâu đủ kiểu.
Trailer phim Thương ngày nắng về
Muốn có áo đầm đẹp, bà Hiền khiến con dâu tất tả chạy tới cửa hàng và phải trả mấy triệu đồng cho váy đầm của mẹ chồng. Bà rủ bạn bè về nhà ăn uống linh đình, bắt con dâu qua phục vụ. Đau lòng hơn, bà ta bảo với bạn những món ăn do chính mẹ ruột Khánh nấu giúp con là do giúp việc nấu...
Thương ngày nắng về được làm lại từ bộ phim Mother of mine của Đài KSB (Hàn Quốc). Một số khán giả khi xem phim bản gốc đã nhận ra mẹ chồng Hàn Quốc không khắc nghiệt như bản Việt.
Mẹ chồng Hàn vẫn kêu con dâu đến nấu ăn phục vụ cho bữa tiệc của mình và bạn bè, nhưng không bảo thức ăn do người giúp việc nấu. Mẹ chồng Hàn cũng không có cảnh lừa con dâu phải trả tiền mua bộ váy mới.
Bà không ưa con dâu vì thấy con dâu không chu toàn được gia đình, vì con dâu ăn mặc không đẹp làm bà mất mặt. Bà luôn thoái thác việc chăm cháu chỉ đơn giản là muốn khỏe cho bản thân.
Vì vậy, bản Hàn không có quá nhiều tình tiết gây căng thẳng, những đoạn đối thoại dài đằng đẵng giữa mẹ chồng - nàng dâu và cảnh con dâu mượn rượu để “xử” lại mẹ chồng như phiên bản Việt cũng chưa có.
Diễn viên Lan Hương vào vai mẹ chồng "cay nghiệt" trong phim Thương ngày nắng về - Ảnh: ĐPCC
Thật ra, so sánh phiên bản Việt với phiên bản Hàn là việc làm không nên bởi khiên cưỡng. Bản sắc mỗi phim dĩ nhiên phải khác nhau và tùy thuộc vào văn hóa, vào góc nhìn của biên kịch, đạo diễn của mỗi nước.
Nhưng không chỉ có Thương ngày nắng về, xem những bộ phim Việt khác khai thác hình ảnh mẹ chồng như Sống chung với mẹ chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Mùa hoa tìm lại, Ngày em đến… sẽ dễ dàng nhận ra hầu hết các nhân vật mẹ chồng đều một màu: yêu con trai mù quáng, khắt khe với con dâu, can thiệp sâu vào cuộc sống của con.
Trong khi trên thực tế, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình Việt đang từng bước được cải thiện rất nhiều, văn minh và nhiều tình thương yêu hơn.
Vì vậy, xem các phim này, khán giả không khỏi đặt câu hỏi: phim Việt lạm dụng quá nhiều mâu thuẫn, tình huống kịch tính giữa mẹ chồng và nàng dâu để tạo nên những tranh luận gay gắt từ khán giả, giúp phim được chú ý hơn?
Thương ngày nắng về do đạo diễn Vũ Trường Khoa đảm nhận phần nội dung quá khứ. Đạo diễn Bùi Tiến Huy thực hiện phần hiện tại.
Đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu lo phần hậu kỳ. Phim có sự tham gia của các diễn viên Thanh Quý, Hồng Đăng, Đình Tú, Huyền Lizzie, Lan Phương, Lan Hương, Trung Anh, Minh Hòa, Bá Anh, Tiến Đạt, Doãn Quốc Đam... đang phát sóng lúc 21h40 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên kênh VTV3.
TTO - Chỉ mới phát sóng năm tập phim nhưng Sống chung với mẹ chồng đang dậy sóng với nhiều ý kiến, bình luận, khen - chê. Mẹ chồng có... quái đến khó tin? Và nàng dâu có thật sự 'vô tội'?
Xem thêm: mth.79581739081211202-nah-gnohc-em-noh-teihgn-yac-teiv-gnohc-em/nv.ertiout