Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động nhắc tới việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giúp lao động tìm việc trước Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chương trình nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu lâu dài là xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực…
Chương trình đề ra mục tiêu duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu công việc, phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là tại khu vực phía Nam.
Với chương trình trên, cơ quan này tiếp tục nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách hướng tới lao động thu nhập thấp như thuê nhà trọ, điện nước, y tế…
Bên cạnh đó, bộ sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn nghiên cứu chính sách giảm lãi suất, bổ sung vốn hỗ trợ lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo thêm việc làm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tiền lương, tiền ăn ca, phúc lợi xã hội… để giữ chân lao động.
Chương trình nêu rõ việc phối hợp các địa phương để hỗ trợ công nhân lao động sớm lại nơi từng làm việc qua ưu tiên xét nghiệm miễn phí, tiêm vắc xin COVID-19 ít nhất 1 mũi; hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế; hỗ trợ thêm cho lao động nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai; sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ tiền mặt…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan này sẽ rà soát các quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm 1 tháng khi doanh nghiệp và người lao động đã thỏa thuận làm thêm. Tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm; không giới hạn nhóm, ngành, nghề, công việc…
Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ phí tuyển dụng lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. Đối với doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trợ giúp đăng ký tuyển chọn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo lao động ở địa phương tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động còn đề cập tới các giải pháp chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; xây dựng dữ liệu lao động, việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội…
Để thực hiện được khối lượng công việc trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo sở LĐ-TB&XH khảo sát nhu cầu tuyển dụng, tìm việc làm trên địa bàn để chủ động nguồn cung lao động, nhất là dịp cuối năm, sau Tết Nguyên đán 2022.
"Nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp ổn định, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động trở về từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam. Hỗ trợ để người lao động trở lại làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao", Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ trong chương trình.
TTO - Dù các hoạt động đã trở lại bình thường từ 2 tháng nay ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng dòng người đã về quê chưa trở lại như mong muốn khiến việc sản xuất kinh doanh ở đây cũng khó khăn.