Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0
Ngay sau COP26, những công việc đầu tư đầu tiên hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 đã được triển khai tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự tham gia của Việt Nam tại COP 26 lần này không chỉ thể hiện trách nhiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn là sự lựa chọn đúng đắn trong việc phát triển đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thay vì một tuyên bố với nhiều hạng mục cam kết, trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, COP26 đã chia ra nhiều cam kết của từng vấn đề để các nước lựa chọn.
Cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 là nổi bật nhất. Mỗi quốc gia phải có các giải pháp để lượng khí thải phát sinh ra được hấp thụ hết, tức là về bằng 0. Việt Nam cùng 146 quốc gia khác trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Australia đưa ra cam kết này.
Việt Nam cũng tham gia vào một số cam kết rất quan trọng khác đó là giảm phát thải metan toàn cầu. 103 quốc gia cam kết giảm phát thải ít nhất 30% phát thải khí metan vào 2030 so với 2020.
141 quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng cam kết không khai thác gỗ từ rừng và bảo vệ rừng từ năm 2030; đồng thời tăng nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Việt Nam cùng với 24 quốc gia khác trong đó có Canada, Đan Mạch, Italy, Hoa Kỳ, G7… và nhiều định chế tài chính Tuyên bố chung dừng sử dụng nguồn lực công hỗ trợ phát triển điện than phát CO2 ra khí quyển từ 2022, ủng hộ tuyên bố chuyển đổi toàn cầu từ than sang năng lượng sạch.
141 quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng cam kết không khai thác gỗ từ rừng và bảo vệ rừng từ năm 2030. Ảnh minh họa: TTXVN.
Cộng đồng quốc tế đồng hành thực hiện cam kết tại COP26
Những cam kết của Việt Nam trong bối cảnh là quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Ông Gereth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho hay: "Việt Nam cần sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế, vì vậy chúng tôi sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hỗ trợ và tổ chức tốt hơn các đơn vị tư nhân tham gia vào các vấn đề tài chính, thủ tục và kinh nghiệm quản lý. Từ đó thúc đẩy dòng đầu tư vào Việt Nam để trong vòng 20 năm tới Việt Nam sẽ là một điểm đến của các dự án đầu tư "xanh".
"Chúng tôi rất vui mừng khi được đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cập nhật theo những cam kết mới nhất của COP 26. Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để giúp Việt Nam chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, cũng như hỗ trợ người dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu", bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho hay.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết: "Thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới là đi theo lộ trình tăng trưởng xanh. Về phía Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đi kèm với đó là nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách để thực hiện. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Việt Nam triển khai thực hiện cam kết tại COP26
Ngay sau COP 26 kết thúc, Việt Nam đã xúc tiến những bước triển khai thực tế đầu tiên trong lộ trình thực hiện những cam kết của mình. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế tín chỉ carbon từ rừng đã có nhiều bước tiến quan trọng.
Ngay trong khuôn khổ của COP 26, Việt Nam đã ký kết ý định thư chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 cho LEAF, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng. Đây là lượng CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026 với tổng trị giá 51,5 triệu USD. Đến nay Việt Nam đã ký 4 tín chỉ carbon với các tổ chức quốc tế.
Quảng Nam vừa được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Bên cạnh viêc thực hiện cam kết quản lý, bảo vệ rừng bền vững, trao đổi hạn ngạch tín chỉ các bon từ rừng, nghành năng lượng cũng đang được tính toán chuyển dịch cơ cấu.
Quảng Nam vừa được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh họa - Dân trí.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát thêm trên cơ sở cập nhật những cam kết xanh của Thủ tướng tại COP26. Điều này đã mở ra cơ hội cho điện gió phát triển.
Mới đây nhất, Orsted - tập đoàn điện gió lớn hàng đầu Đan Mạch đã đề xuất nghiên cứu Dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng với trị giá lên tới 13,6 tỷ USD.
Ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam cho hay: "Đan Mạch quan tâm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức về đảm bảo năng lượng cho tăng trưởng kinh tế liên tục, với giá cả cạnh tranh, đồng thời đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu".
Việt Nam đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm phát thải khí nhà kính; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với mục tiêu đã cam kết.
"Hiện nay Quốc hội đã thông qua luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về trách nhiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của Việt Nam để triển khai thực hiện huy động lực lượng của toàn xã hội vào cuộc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ carbon thấp; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15155440281211202-naoh-naut-et-hnik-hnax-et-hnik-ned-gnouh-man-teiv/et-hnik/nv.vtv