Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan công an đã xác định có khoảng vài chục đối tượng khác tham gia đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu quy mô rất lớn trên toàn quốc vừa bị triệt phá này.
Sau khi bắt giữ 6 đối tượng, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục chỉ đạo đấu tranh làm rõ 6 đối tượng này, đồng thời điều tra làm rõ các đối tượng khác để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công an cũng xác minh và có biện pháp xử lý nghiêm những người đã đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả từ đường dây toàn quốc này.
Được biết, trong quá trình điều tra phá án, các cán bộ, chiến sĩ công an đã xông pha vào các địa điểm khó, có cán bộ công an đã bị nhiễm Covid-19 khi tham gia phá án.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn chia sẻ thêm, việc làm giả và sử dụng các giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được làm giả là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Nhân dân, cán bộ phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được đặt mua, đặt làm hoặc sử dụng các giấy tờ giả.
Việc phá án thành công đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng, đặc biệt sự phối hợp rất có hiệu quả của các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, của công an các đơn vị, địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi… và Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chỉ đạo phá án.
Như Dân trí thông tin, Từ tháng 4/2021, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả của các tổ chức, cơ quan nhà nước trên toàn quốc…
Công an tỉnh này quyết định thành lập Ban chuyên án tập trung huy động lực lượng nhanh chóng xác định đấu tranh làm rõ.
Quá trình điều tra phát hiện đường dây tội phạm này hoạt động rất tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội và các đối tượng ở nhiều tỉnh thành khác nhau như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.
Bước đầu xác định có khoảng 10.000 cá nhân trên toàn quốc đã đặt mua để sử dụng các loại tài liệu, giấy tờ giả.
Đại Dương