Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 cho người dân tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM sáng 10-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 18-12, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia Dương Thị Hồng cho biết hiện Việt Nam đã tiếp nhận 172 triệu liều vắc xin COVID-19, dự kiến từ nay đến cuối tháng 12-2021 sẽ nhận thêm 30 triệu liều, đủ cho nhu cầu tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại.
Trước đó, ngày 17-12 Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới về lịch tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại cho người dân đã tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19. Cụ thể, liều bổ sung và liều nhắc lại sẽ được tiêm 3 tháng sau khi hoàn thành mũi cơ bản (ngoại trừ nhóm có bệnh nền thì tiêm 28 ngày sau khi hoàn thành mũi cơ bản). So với hướng dẫn được Bộ Y tế ban hành hồi đầu tháng, lịch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại đã được rút ngắn 3 tháng.
Về lý do rút ngắn lịch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng tiêm bổ sung để "đón lõng" Omicron và các chủng biến thể của virus SARS-Cov-2. Bên cạnh đó, qua khảo sát người có biến chuyển nặng sau khi mắc COVID-19, cho thấy tỉ lệ có chuyển biến nặng có nhiều hơn ở người tiêm một số loại vắc xin và cần tiêm bổ sung để gia tăng miễn dịch.
Đáng chú ý, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người đã tiêm vắc xin Vero Cell, Sputnik V sẽ tiêm thêm mũi thứ 3 mới hoàn tất liều cơ bản. Sau mũi 3 từ 6 tháng sẽ tiêm mũi 4, mũi 4 được coi là mũi nhắc lại. Trong khi người tiêm liều cơ bản bằng vắc xin mNRA và vector virus (vắc xin Moderna, Pfizer, AstraZeneca) thì liều cơ bản chỉ gồm 2 mũi.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhóm đã tiêm Vero Cell và Sputnik V là 25 triệu người. Số vắc xin đã và sẽ nhận trong tháng 12 này sẽ đủ tiêm mũi 3 trong liều cơ bản cho 25 triệu người này, số vắc xin nhận trong năm 2022 sẽ sử dụng tiêm mũi 4.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết việc Bộ Y tế hướng dẫn rút ngắn thời gian tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại sẽ giúp người dân tăng cường được sức bảo vệ sớm hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. "Hiện nay TP.HCM vẫn nhận được vắc xin đều đặn từ Bộ Y tế, nguồn cung đảm bảo nên không có gì lo lắng về việc thiếu vắc xin khi triển khai" - ông Tâm khẳng định.
Trong khi đó đến chiều 18-12, Hà Nội vẫn chưa triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người dân, đặc biệt là những nhóm trường hợp nguy cơ cao. Theo ngành y tế TP Hà Nội, hiện nay TP đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch để tiêm mũi 3 cho người dân và đang "đợi sự chỉ đạo của Bộ Y tế về phân bổ vắc xin, khi được phân bổ sẽ triển khai tiêm ngay". Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết về đối tượng tiêm chủng, Hà Nội sẽ tiêm vắc xin mũi 3 cho toàn bộ người dân đã tiêm mũi 2, tuy nhiên sẽ ưu tiên một số trường hợp cụ thể.
TP.HCM có gần 350.000 người thuộc nhóm nguy cơ
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 18-12, tức sau 10 ngày phát động chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", TP.HCM ghi nhận có 349.126 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó số người trên 65 tuổi có kèm bệnh nền là 169.066 người (chiếm 48,4%), người trên 65 tuổi không kèm bệnh nền là 180.060 người (chiếm 51,6%).
Sở Y tế TP.HCM nhận định việc phát hiện những nhóm cần được can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong. Cụ thể trong số 80.611 người được xét nghiệm nhanh đã phát hiện 647 người có kết quả dương tính và được điều trị ngay với thuốc kháng virus Molnupiravir. Hiện các quận huyện đang khẩn trương xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cấp ngay thuốc kháng virus cho các F0 được phát hiện.
TTO - Đau đầu nhưng không khai báo, một học sinh ở Quảng Nam tử vong sau 3 ngày tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cơ quan y tế khẳng định không phải do sốc phản vệ sau khi tiêm.
Xem thêm: mth.30700309091211202-91-divoc-nix-cav-meit-ev-iom-meid-ueihn/nv.ertiout