Sau gần 30 năm, đề xuất này được đưa ra 5 lần nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Vì thế, dự thảo đề án đấu giá biển số xe vừa tiếp tục được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) trình bộ trưởng Bộ Công an ký để trình Chính phủ lại được quan tâm. Đề án này nhiều năm qua được dư luận, các chuyên gia ủng hộ vì đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, tăng tính công khai minh bạch trong cấp biển số xe nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
2 phương án đấu giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đỗ Thanh Bình, cục phó Cục CSGT, cho biết đơn vị này đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, ban ngành, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo "Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá". Tới đây dự thảo này sẽ được trình bộ trưởng Bộ Công an ký để trình Chính phủ và Quốc hội.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, nguyên nhân chính khiến đề án được đề xuất nhiều lần nhưng chưa thể thực hiện là do Luật giao thông đường bộ có hiệu lực từ 2008 đang cấm việc mua bán biển số. Đây là "rào cản pháp lý cho việc đấu giá biển số xe", do đó để thí điểm đấu giá được phải sửa luật, hoặc Quốc hội sẽ quyết định và đưa ra nghị quyết thì mới có thể triển khai. Dự kiến nếu thuận lợi, đề án được Quốc hội chấp thuận và ra nghị quyết thì việc thí điểm đấu giá biển số xe sẽ thực hiện ngay trong năm tới.
Một trong những nội dung của đề án được người dân quan tâm nhất là phương án đấu giá, người trúng đấu giá có được quyền mua bán, chuyển nhượng biển số xe? Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết Cục CSGT đề xuất hai phương án: Thứ nhất là sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành - người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Thứ hai, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể.
Người dân đi đăng ký xe mới tại điểm đăng ký xe 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA
Không được "ngâm" số quá 6 tháng
Đại tá Bình đánh giá phương án thứ nhất sẽ giúp đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hình thức này sẽ không hấp dẫn người dân và "hiệu quả đấu giá biển số xe sẽ không cao". Trong khi đó với phương án 2, khi người trúng đấu giá có đầy đủ quyền tài sản với biển số thì sẽ có quyền mua bán, chuyển nhượng, thế chấp biển số này và có thể sẽ hấp dẫn với người dân hơn.
"Tuy nhiên thực hiện theo phương án nào thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, đảm bảo quản lý nhà nước về trật tự xã hội. Do đó cơ quan nhà nước cũng đưa ra các quy định quản lý để tránh việc đầu cơ biển số", đại tá Bình phân tích.
Cụ thể, Cục CSGT đưa ra đề xuất dù coi biển số là tài sản của người trúng đấu giá nhưng sẽ quy định thời hạn nhất định trước khi gắn vào xe. Trường hợp người dân bán xe nhưng muốn giữ lại biển số thì phải đến cơ quan chức năng để làm thủ tục giữ lại biển số. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày làm thủ tục, biển số trúng đấu giá phải được đăng ký gắn với xe, nếu quá thời hạn sẽ mất quyền đăng ký.
Đấu giá theo hình thức nào?
Theo dự thảo đề án, Bộ Công an giao công an tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký. Công an các địa phương sẽ thuê các công ty đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá theo các hình thức được quy định trong Luật đấu giá tài sản. Các cuộc đấu giá sẽ được thông báo rộng rãi để người dân có nhu cầu đăng ký tham gia. Hình thức có thể thực hiện qua bỏ phiếu trực tiếp, gián tiếp, đấu giá bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá trực tuyến.
Đại tá Bình cho biết thêm việc đấu giá sẽ do một công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm. Mức giá khởi điểm cũng được thông báo trước. Hằng tháng các tỉnh thành có bao nhiêu biển số sẽ được đưa lên trang mạng để công khai và người dân có thể lựa chọn, khi biển số có nhiều người cùng thích, cùng muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá.
Tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực
Luật sư Trần Văn Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng việc đấu giá biển số xe là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng có thật của người dân nhưng để thực hiện thì vướng các quy định trong Luật đấu giá tài sản, Luật giao thông đường bộ. Do đó Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm đấu giá trong một thời gian nhất định, sau đó đánh giá tổng kết, nếu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị sửa luật.
Theo luật sư Nam, phương án đấu giá nên thực hiện theo hướng coi biển số xe là một tài sản, người trúng đấu giá có quyền mua bán và chuyển nhượng. "Phải coi biển số trúng đấu giá là một tài sản, người dân bỏ tiền ra tham gia đấu giá sẽ có quyền sở hữu đi kèm với mua bán và chuyển nhượng. Nếu được thế thì giá trị biển số sẽ tăng lên và việc đấu giá sẽ đạt hiệu quả hơn. Thậm chí nhìn xa hơn khi biển số được chuyển nhượng thì Nhà nước còn thu được cả thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách".
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng "việc đấu giá biển số nên được thực hiện càng sớm càng tốt" vì tạo ra nguồn thu ngân sách khá lớn. Bên cạnh đó, đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vì trên thực tế có những người có điều kiện rất ưa chuộng sử dụng biển số đẹp. Đồng thời việc đấu giá cũng làm tăng tính công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực trong khâu cấp biển số.
"Biển số xe hiện nay chưa được xem là tài sản nên rất khó mang ra để đấu giá. Do đó để thực hiện đấu giá và làm có hiệu quả thì biển số trúng đấu giá phải được xem là tài sản của chủ phương tiện và được quyền trao đổi, mua bán thì mới có tính hấp dẫn. Hiểu một cách đơn giản là bỏ tiền ra thì phải được quyền sở hữu và định đoạt. Một chiếc xe chỉ có vòng đời 10-20 năm, nếu biển số được gắn với chiếc xe khác sau khi chuyển nhượng sẽ có giá hơn", ông Quyền phân tích.
Xấu - đẹp tùy quan niệm
Theo cục phó Cục CSGT, việc đấu giá sẽ không bó hẹp ở những "biển số đẹp" bởi "biển số xấu hay đẹp chỉ là theo quan niệm của mỗi người". Do đó, trong dự thảo đề án Cục CSGT đề xuất để cho người dân lựa chọn biển số theo sở thích, nhu cầu. Những biển số không có người lựa chọn đấu giá được quay về kho để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ bốc ngẫu nhiên như hiện nay.
"Những tấm sắt đắt nhất thế giới"
Ôtô biển số "ngũ linh lộc" trên đường ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Việc tổ chức đấu giá biển số xe hiện đã có nhiều nước thực hiện như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan...
Trong đó, biển số xe ở Thượng Hải (Trung Quốc) được người dân nơi đây gọi là "những tấm sắt đắt nhất thế giới". Chẳng hạn, ở phiên đấu giá vào tháng 4-2020, đã có 144.210 người tham gia đấu giá 14.410 biển số. Lúc đó, mức giá trung bình đưa ra để có được một tấm biển "số đẹp" là 90.494 nhân dân tệ (14.194 USD), tăng 353 nhân dân tệ so với mức 90.141 nhân dân tệ của tháng trước đó.
Từ năm 2008, các cuộc đấu giá đã được thay đổi theo hướng đấu giá công khai, cho phép minh bạch hơn. Công ty đấu giá hàng hóa quốc tế Thượng Hải có trách nhiệm thay mặt chính quyền tổ chức đấu giá hằng tháng. Để tham gia đấu giá, người đấu giá trước tiên phải đăng ký thông tin trực tiếp và đặt cọc 2.000 nhân dân tệ.
Để kiểm soát phần nào "đầu nậu" chuyên đi "gom" biển số rồi bán lại, chính quyền Thượng Hải đã cố gắng kiểm soát giá biển số bằng cách siết chặt quá trình chuyển nhượng và cung cấp nhiều biển số xe hơn trong những giai đoạn nhu cầu cao. Bên cạnh đó, Thượng Hải cấm bán biển số qua tay với giá cao hơn giá trung bình mới nhất. Chính quyền cũng cấm chuyển nhượng lần hai với những ôtô có biển số đã qua sử dụng trong vòng một năm sau lần chuyển nhượng đầu tiên.
Tại Thái Lan, sau cuộc đấu giá biển số ôtô do Văn phòng giao thông đường bộ tỉnh Phuket tổ chức vào tháng 9-2019, biển số "9999" đã được trả giá cao nhất lúc đó là 710.000 baht (hơn 21.300 USD). Tiền thu được từ cuộc đấu giá được chi cho các chiến dịch liên tục vì an toàn giao thông đường bộ. Biển số xe trúng đấu giá có thể chuyển nhượng.
BÌNH AN
TTO - Trong dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất cho phép người dân được lựa chọn biển số đăng ký xe theo sở thích hoặc tham gia đấu giá biển số xe.
Xem thêm: mth.10524748091211202-man-03-nag-taux-ed-os-neib-aig-uad/nv.ertiout