Cho dù theo quy định, chỉ có những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có chứng nhận) mới được chào mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tuy nhiên trên thực tế, quy định này nhiều khi bị bỏ qua.
Anh S, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại TPHCM với chứng nhận từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, hiện mỗi tuần anh nhận được từ 3-5 lời mời mua trái phiếu doanh nghiệp qua email cũng như qua điện thoại.
Một người quen trước đây làm ở ngân hàng B (xin miễn nêu tên cụ thể), nay chuyển sang làm cho một công ty chứng khoán gọi đến anh S. mời mua trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất hấp dẫn lên tới 12%/năm. Anh S. hỏi đùa: “Anh chưa phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có được mua không em?”. Đầu dây bên kia: “Ôi, xử lý được hết mà anh”.
Trên thực tế, việc rao mời mua trái phiếu đang diễn ra sôi động chẳng kém mấy so với tình trạng telesale về bất động sản, bảo hiểm, khóa học… trong thời gian qua. Bên mời chủ yếu là các nhân viên môi giới, kinh doanh của các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, hoặc các công ty chứng khoán khác chào bán trái phiếu doanh nghiệp như một nghiệp vụ kinh doanh.
Có thể nói, thị trường trái phiếu thêm “nóng”, lạm phát cũng do sự góp phần của khâu trung gian môi giới này. Anh Q. cũng là một nhà đầu tư chứng khoán (Quận 2, TPHCM) cho biết: “Ngày nào mở hộp email ra mà lại không có ít nhất một thư rao mời, giới thiệu một sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp nào đó. Và tất nhiên, những lời giới thiệu toàn vẽ ra mức lợi nhuận cao, tiềm năng, khả quan…, chẳng có lấy đến một dòng nói về nhược điểm của doanh nghiệp đó hay mức độ rủi ro có thể của trái phiếu doanh nghiệp đó”.
Với làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lạm phát như hiện nay (9 tháng đầu năm đạt 357.000 tỉ đồng), trong đó có không ít những sản phẩm “trái phiếu 3 không” (không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm), thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc bất lợi đối với nhà đầu tư.
Anh S. đã có hơn 12 năm đầu tư chứng khoán ở quy mô vốn từ trung bình trở lên, nhưng chưa bao giờ mua bất kỳ trái phiếu của doanh nghiệp nào. Thứ nhất, trái phiếu không thuộc khẩu vị đầu tư của anh. Thứ hai, anh nhìn thấy ở các bài giới thiệu về một sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp từ phía môi giới hầu hết được “tô hồng” để mời mọc người mua.
Theo anh, những lời lẽ “tô hồng” của các môi giới và nhân viên kinh doanh như là những “vị ngọt đầu môi” chứ chưa phải là thực tế. Thực tế là nếu nhà đầu tư bị thiệt thì công ty chứng khoán và nhân viên môi giới đâu chịu trách nhiệm gì.
Trưởng phòng kinh doanh của một công ty chứng khoán tại TPHCM cho rằng, trái phiếu cũng là một loại sản phẩm có thể đầu tư, song mỗi nhà đầu tư phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng, cũng như mục tiêu của chính mình.
Nhà đầu tư cần biết khẩu vị của mình là gì, khả năng vốn đến đâu, nắm rõ sản phẩm trái phiếu cụ thể trong đó tất nhiên là có mức lãi suất, tình hình doanh nghiệp. Song nhìn chung, mức vốn dưới 50 tỉ đồng thì cần cân nhắc hạn chế chơi trái phiếu vì dòng tiền sẽ bị “chôn” lâu ảnh hưởng đến vốn đầu tư nói chung.
Xem thêm: odl.182689-iom-uad-togn-iv-gnuhn-gnuhc-ioc-ueihp-iart-ut-uad/et-hnik/nv.gnodoal