Trong tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng khối lượng bán ròng ở mức 66 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 2.028 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 1.930 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 63 triệu cổ phiếu.
Tại sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 13 liên tiếp với giá trị gấp 13,4 lần so với tuần trước và ở mức 140,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 3,7 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 13 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng hơn 1.100 tỷ đồng.
Còn tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 61.607 tỷ đồng tương ứng khoảng 2,7 tỷ USD trên toàn thị trường. Đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay, gần hơn 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020.
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán thì trong cơn say bán ròng của khối ngoại vẫn ghi nhận giá trị mua ròng hàng nghìn tỷ ở một số cổ phiếu có mức tăng bền vững. Ở nhóm ngành ngân hàng, cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là STB với giá trị mua ròng đạt 4.144 tỷ đồng. Một số cổ phiếu nhà băng khác cũng lọt top mua ròng trong năm 2021 của khối ngoại là TPB với giá trị mua ròng vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Ở nhóm bất động sản, VHM được khối ngoại mua ròng với giá trị 3.998 tỷ đồng. Chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021 đến nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 18.571 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất với các cổ phiếu VPB hơn 9.329 tỷ đồng,...
Trong báo cáo chiến lược về dòng tiền nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được công bố, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đã chỉ ra tình trạng khối ngoại bán ròng những cổ phiếu tốt. Theo đó, có một vài trường hợp, việc bán ròng của khối ngoại có thể xem như là hoạt động tái phân bổ danh mục đầu tư khi các vị thế đã đạt đến những giới hạn tối đa trong danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, một tỷ trọng đáng kể cũng có thể xem là hoạt động chốt lời đơn giản. Mặc dù nhìn ở khía cạnh đơn lẻ dòng tiền nước ngoài rút ra khỏi Việt Nam có vẻ khá lớn, nhưng so với dòng tiền ròng bị rút ra khỏi hầu hết các thị trường chứng khoán trong khu vực thì lượng bán ròng tại Việt Nam là không đáng kể.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quỹ DG Investment cho rằng khó ai có thể dự báo cơn say bán ròng của khối ngoại sẽ dừng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo quan sát thì có thể thấy khối ngoại đang thay đổi "khẩu vị" thay vì lựa chọn các cổ phiếu đã niêm yết thì sắp đến dòng tiền khối ngoại sẽ nhắm vào các hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa Nhà nước trong thời gian tới.
Xem thêm: lmth.72980000042210202-iv-uahk-iod-iaogn-iohk-neit-gnod-naohk-gnuhc/nv.semitaer