Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Bước đầu, C03 khởi tố, bắt tạm giam bảy bị can về tội danh trên, gồm: Phan Quốc Việt (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á), Vũ Đình Hiệp (phó tổng giám đốc Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ Công ty Việt Á, cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc), Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý tài chính Công ty Việt Á), Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á), Phạm Duy Tuyến (giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (cựu kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Nâng khống giá kit, doanh thu 4.000 tỉ đồng
Theo C03, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, quá trình cung ứng vật tư, công ty này đã có nhiều sai phạm về pháp luật.
Cụ thể, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, TP sử dụng.
Tiếp đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị trên để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... Các đơn vị sẽ ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Thực tế, Việt và những người của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.
Tính đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, để tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc làm khống hồ sơ, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất chi “hoa hồng” cho lãnh đạo các bệnh viện, CDC các tỉnh, TP.
Trong đó, chỉ tính riêng tại Hải Dương, C03 làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC tỉnh này thông qua năm hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến (giám đốc CDC Hải Dương) số tiền gần 30 tỉ đồng.
Công an xác định hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và những người liên quan là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu.
Hai bị can Phan Quốc Việt (trái) và Phạm Duy Tuyến. Ảnh: CA
Động thái của Bộ Y tế Cũng liên quan đến vụ việc, bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn gửi bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… Đặc biệt, bộ này đề nghị xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. |
Giám đốc Công ty Việt Á từng nói “đạo lý”
Công ty Việt Á là công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử.
Thời điểm tháng 4-2020, khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt từng nói trên báo chí rằng năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên ba lần (khoảng 30.000 bộ kit/ngày). Giá mỗi bộ 400.000-600.000 đồng, thấp hơn thế giới nhiều lần.
“Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt” bởi lâu nay một số doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển” - báo chí khi đó dẫn lời Việt.
Việt nói đạo lý nhưng nay lại “bắt tay” với các bị can khác để nâng khống giá kit xét nghiệm.
Trước tháng 7-2021, giá chi phí xét nghiệm được Bộ Y tế công bố với test nhanh là 238.000 đồng một mẫu; 734.000 đồng (với PCR). Sau tháng 7, khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế thanh toán theo hình thức thực thanh thực chi dựa trên kết quả đấu thầu kit của các địa phương, chi phí test nhanh tại các cơ sở y tế dao động 150.000-300.000 đồng. Chi phí xét nghiệm PCR là 700.000-800.000 đồng một mẫu đơn; mẫu gộp 10 dao động 200.000 đồng một mẫu...
Tuy nhiên, phản ánh với báo chí, rất nhiều ý kiến phàn nàn về việc giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác, các địa phương cũng có nhiều quy định khác nhau về yêu cầu xét nghiệm đối với người dân và doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Phong tỏa hàng trăm tỉ đồng, kê biên nhiều nhà, đất Hôm 10-12, C03 tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại tám địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan. Cơ quan điều tra cũng phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và những người thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; tám bất động sản của Phạm Duy Tuyến... Hiện C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước. |