Cơ quan điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.
Theo nguồn tin của VnExpress, phần lớn tài sản của Việt Á hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức không phụ thuộc vào vốn vay. Quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ là vốn chủ sở hữu.
Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, hoạt động của Việt Á có xu hướng giảm dần khi doanh thu từ mức 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2020, gấp hơn 6 lần năm 2019.
2020 cũng là năm Việt Á bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19. Tháng 4/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Trả lời báo chí khi đó, ông Việt cho biết, giá mỗi bộ kit test từ 400.000-600.000 đồng là mức "thấp hơn thế giới nhiều lần".
Kết quả kinh doanh của Việt Á cho thấy, lợi nhuận cũng tăng, nhưng không đáng kể nếu so với quy mô của doanh thu. Giai đoạn 2016-2019, công ty này ghi nhận mức lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2020, dù doanh thu hàng trăm tỷ đồng, Việt Á mới chỉ lãi gần 1,5 tỷ đồng.
Ước tính, theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, Công ty Việt Á đến nay đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan điều tra, doanh nghiệp này đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 để thông đồng với lãnh đạo CDC hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Chi phí xét nghiệm PCR, trước ngày 1/7/2021, được Bộ Y tế giải thích là theo mức quy định 734.000 đồng một mẫu, giá này đã gồm chi phí nhân viên phục vụ, vật tư tiêu hao đi kèm, giá kit test... Nhưng kit xét nghiệm, lại không phải mặt hàng trong diện áp giá sàn, giá trần theo các luật hiện hành nên theo cung - cầu.
Ông Phan Quốc Việt là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Theo Cổng thông tin về đăng ký kinh doanh, công ty này được lập năm 2007, trụ sở chính tại Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP HCM, vốn đăng ký chỉ 80 triệu đồng, nhưng sau hơn 10 năm, đến tháng 10/2017, đã lên 1.000 tỷ đồng. Lần gần nhất danh sách cổ đông của Việt Á được công bố là năm 2009, khi đó ông Phan Quốc Việt nắm giữ 10,2% cổ phần công ty. Hai cổ đông còn lại là ông Đồng Sỹ Huy và bà Hồ Thị Thanh Thủy, nắm giữ 5% và 4,8%.
Việt Á đăng ký 64 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính là bán buôn bán móc, thiết bị, phụ tùng. Tuy nhiên, trên website, công ty giới thiệu chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này và là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR và lai phân tử.
Trước khi sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm này, Công ty Việt Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit xét nghiệm khác. Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước.
Việt Á không phải doanh nghiệp duy nhất có "bóng dáng" ông Phan Quốc Việt.
Ông Việt còn là người đại diện theo pháp luật của 11 công ty khác và bốn văn phòng đại diện tại các tỉnh. Trong "hệ sinh thái" y tế và thiết bị y tế, ông Việt đứng tên tại hai doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Y tế Việt Á và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Á Y dược 99.
Công ty Y tế Việt Á có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, ngành nghề chính là hoạt động phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa, là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao nhất trong hệ sinh thái. Năm 2018, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.400 tỷ đồng, tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng vào năm 2019 trước khi giảm mạnh còn hơn 100 tỷ vào năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Y tế Việt Á cũng tương tự Công ty Công nghệ Việt Á. Dù biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 30-40%, công ty này lỗ ròng đều đặn những năm gần đây.
Công ty Đầu tư Việt Á Y dược 99 cũng tương tự. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu khoảng 13-16 tỷ đồng mỗi năm trong ba năm gần nhất nhưng báo lỗ 9-16 tỷ đồng.
Minh Sơn