Phát biểu tại tọa đàm, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu trong khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ của ngành ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhất là với thanh toán điện tử, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử với nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành quy định tiếp về hoạt động ngân hàng điện tử, quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng điện tử, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin, quy định bảo mật an toàn đối với hoạt động ngân hàng trên internet,… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quy định pháp luật về ngân hàng điện tử, nhiều TCTD phát sinh nhiều vướng mắc cần được báo cáo NHNN để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự thích ứng linh hoạt và phát triển của ngành Ngân hàng trong cuộc cách mạng 4.0.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Báo cáo về thực trạng, vướng mắc và kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật trong giao dịch ngân hàng điện tử, ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng cho biết, Nghị định 35/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và các Thông tư của NHNN quy định về phạm vi hoạt động ngân hàng điện tử đã tạo nền móng quan trọng cho hoạt động của các ngân hàng trong lĩnh vực điện tử. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, tiên phong triển khai hoạt động điện tử và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này thông qua các quy định về nghiệp vụ thẻ, ATM, dịch vụ Internet banking, Mobile banking,... Đến nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Ngân hàng điện tử được quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, có những sự phát triển mới về mặt công nghệ, đa dạng hóa về các loại hình dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thì các quy định pháp luật đang bộc lộ một số bất cập cần được hoàn thiện, bảo đảm theo xu hướng mới của hoạt động ngân hàng điện tử như vấn đề định danh, xác thực khách hàng, xác thực giao dịch; chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, dữ liệu điện tử; hoạt động nghiệp vụ ngân hàng điện tử; trích lập và xử lý dự phòng rủi ro hoạt động công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử; khai thác, sử dụng dữ liệu; cơ chế chính sách để thích ứng linh hoạt, an toàn đối với hoạt động ngân hàng điện tử…
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng trình bày báo cáo tổng quát tại tọa đàm.
Tại tọa đàm, đại diện các TCTD cũng chia sẻ về các nội dung khác liên quan đến các quy định về giao dịch điện tử, hoạt động thẻ, định danh điện tử, điện toán đám mây, dịch vụ công,… và trao đổi kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu lên thực trạng nhu cầu sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu cấp tín dụng, thực hiện giao dịch kinh doanh qua phương tiện điện tử ngày càng phổ biến nhưng hiện chưa có cơ sở thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay và bảo lãnh. Đại diện Công ty Tài chính cổ phần Điện lực chia sẻ quan điểm chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc của ngành Ngân hàng, đồng thời là hướng đi chiến lược giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả phát và triển bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, những thách thức về sự đồng bộ kịp thời của khung pháp lý liên quan như giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử,… cần sớm được ban hành…
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm
Theo bà Vũ Ngọc Lan – Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế NHNN, sau khi Luật Giao dịch điện tử được ban hành, NHNN đã phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành nghị định, thông tư theo thẩm quyền. Thời gian vừa qua, NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong đó, NHNN đã có báo cáo về rà soát, nhận diện các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị với Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
LK
Ảnh: Mạnh Thắng.
Xem thêm: 228964VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www