Cần đặc biệt quan tâm đến ba nội dung lớn là hệ số giá đất tính bồi thường; chính sách tái định cư và các chính sách hỗ trợ hậu tái định cư để giúp người bị thu hồi đất sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh và hưởng lợi ích do dự án mang lại.
Đó là một trong những nội dung mà chuyên gia Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) thuộc Sở TN&MT TP.HCM, góp ý cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thực hiện các dự án tại tỉnh Phú Yên cũng như các tỉnh, thành khác nếu được áp dụng cơ chế tại đề án tách bồi thường ra khỏi dự án đầu tư.
Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (thuộc Sở TN&MT TP.HCM), góp ý trong hội thảo. Ảnh: QUỐC VŨ
Cần cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ bồi thường
Trong hội thảo “Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư” vừa được báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng tỉnh Phú Yên tổ chức, theo UBND tỉnh Phú Yên, hiện địa phương mới có khoảng 260 dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt, tỉnh chưa có các dự án lớn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho tỉnh. Vì vậy, Phú Yên mong muốn có cơ chế, chính sách phù hợp để có thể phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển.
Tỉnh Phú Yên đặc biệt chú trọng đến cơ chế tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư lớn, thực hiện các dự án lớn, làm động lực phát triển cho cả tỉnh. Tỉnh kỳ vọng việc Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội đề án tách bồi thường ra khỏi dự án đầu tư thành dự án độc lập sẽ là cơ hội để địa phương này có thêm giải pháp tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư.
Tại hội thảo, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết đề án trên đang được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội và cũng không phải được triển khai thí điểm cho tất cả dự án. Tuy nhiên, những đòi hỏi từ thực tiễn tổ chức thực hiện của các địa phương thì đây vẫn luôn là đòi hỏi bức thiết.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM, ông Trần Minh Thơ đã có những góp ý cho công tác bồi thường GPMB tại tỉnh Phú Yên cũng như các tỉnh, thành khác nếu được áp dụng cơ chế thí điểm của đề án trên.
Ông Thơ cho rằng việc tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án cần phải có cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ, nếu không thì mới chỉ là vấn đề kỹ thuật. Để đạt mục tiêu đó thì Phú Yên cần đáp ứng sáu điều kiện cần và đủ khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, phải đảm bảo pháp lý về dự án có thu hồi đất; đảm bảo pháp lý, trình tự thu hồi đất; đảm bảo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế; đảm bảo nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho người dân; đảm bảo nguồn vốn bố trí kịp thời để chi trả BTHTTĐC; đảm bảo chính sách BTHTTĐC phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất và quyền lợi hợp pháp của người dân.
Quan trọng nhất vẫn là bài toán về phân phối lợi ích
Ông Thơ cho biết theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì có hai trường hợp: Một là Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hai là sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp này thì chủ đầu tư phải sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ông Thơ góp ý đối với dự án do Nhà nước thu hồi đất thì có thể triển khai công tác BTHTTĐC ngay khi có chủ trương tách công tác bồi thường GPMB thành dự án độc lập, song song với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án BTHTTĐC và dự án đầu tư xây dựng công trình. Qua đó, rút ngắn thời gian thực hiện công tác BTHTTĐC và bàn giao mặt bằng để triển khai đầu tư xây dựng công trình.
“Giải pháp này TP.HCM đã thực hiện từ năm 2008 từ các nghị định của Chính phủ hướng dẫn các luật Đất đai 2003, 2013. Tuy nhiên, từ khi có Luật Đầu tư công 2019 đến nay thì thu hẹp phạm vi, chỉ áp dụng với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A” - ông Thơ nói.
Đối với dự án sản xuất, kinh doanh: Trong trường hợp dự án BTHTTĐC là dự án độc lập nhằm tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, nên bổ sung chính sách hỗ trợ “phân phối lại” hoặc “phân phối bổ sung” một phần chênh lệch giữa giá trị đấu giá quyền sử dụng đất với chi phí thực hiện dự án BTHTTĐC cho tất cả người bị thu hồi đất.
Ông Thơ cho hay thực tế có những dự án kinh phí bồi thường hết khoảng 1.000 tỉ đồng, khi đấu giá xong có khi lên gấp sáu, bảy lần. Khoản chênh lệch địa tô này cần phải có cơ chế phân phối lại cho những người bị thu hồi đất để tạo sự công bằng.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh trong quá trình thực hiện BTHTTĐC, ngành chức năng cần chính sách đúng với pháp luật, phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất tại địa phương có đất thu hồi. Đồng thời công khai, minh bạch khi giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất để họ không chỉ đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án mà phải đồng thuận với phương án BTHTTĐC sẽ phê duyệt.•
Địa phương cần chủ động trong khi chờ sửa Luật Đất đai Vấn đề về bồi thường GPMB, thu hồi đất, để có đất phát triển kinh tế - xã hội là câu chuyện rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết chứ không riêng ngành nào. Công tác bồi thường GPMB, cơ quan chức năng đang nỗ lực trình việc tách thành dự án độc lập và cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh công tác này. Trong điều kiện đề án thí điểm tách bồi thường GPMB chưa được Quốc hội thông qua thì chúng ta cũng không thể ngồi đợi. Tôi nghĩ, hơn ai hết, lãnh đạo các địa phương phải chủ động nguồn vốn để làm công tác này. Đối với Phú Yên, chắc chắn câu chuyện này khó nhưng chúng ta phải chủ động. Thứ hai là hiện nay, doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Muốn gỡ được thì phải sửa luật chứ Nhà nước không thể đứng ra thu hồi được, vì thu hồi trong trường hợp này là vi hiến. Như vậy, khi luật chưa sửa, chưa có cơ chế để giải quyết, đồng thuận thì hơn ai hết ở địa phương cần chủ động, chẳng hạn như đối thoại với doanh nghiệp, với người dân để tìm giải pháp hoặc phải điều chỉnh ranh giới của dự án… Bà HOÀNG THỊ VÂN ANH, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, |