Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 433 điểm, tương đương 1,2%, và thủng mốc 35.000 điểm. Tác động tiêu cực nhất là cổ phiếu hãng chế tạo tàu bay Boeing, ngân hàng Goldman Sachs và công ty thanh toán American Express.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% còn 4.568 điểm và chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,2%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tụt lại xa nhất khi mất gần 1,6%.
Trong ba phiên gần đây, S&P 500 đã mất hơn 3%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 9. Theo CNBC, Nasdaq cũng sụt 3,7% trong ba phiên vừa qua, đánh dấu chuỗi ba phiên đi xuống sâu nhất kể từ tháng 5.
Biến thể Omicron của dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ mùa đông đang đến gần. Cuối tuần trước, Mỹ ghi nhận 156.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Chủng Omicron đã được phát hiện ở 43 trong tổng số 50 bang của Mỹ và khoảng 90 quốc gia trên toàn cầu. Số ca dương tính tăng gấp đôi trong khoảng 1,5 - 3 ngày ở những nơi xảy ra lây nhiễm cộng đồng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cổ phiếu hãng sản xuất máy công nghiệp Caterpillar, tập đoàn chế tạo tàu bay Boeing và công ty đa ngành General Electric giảm lần lượt 2,2%, 2,9% và 1,5% trong phiên 20/12. Đây đều là những doanh nghiệp có doanh thu từ nước ngoài lớn và do vậy rất nhạy cảm với tình hình kinh tế thế giới.
Nếu Omicron lây lan mất kiểm soát và thế giới phải phong tỏa lần nữa, Caterpillar, Boeing và General Electric sẽ thiệt hại rất nặng nề.
Các cổ phiếu phụ thuộc vào quá trình tái mở cửa nền kinh tế nằm trong nhóm giảm sâu nhất phiên đầu tuần. Las Vegas Sands mất 3,6%, Alaska Air Group và Southwest Airlines giảm lần lượt 1,4% và 0,7%. Darden Restaurants cũng đi xuống gần 1,3%.
Cổ phiếu năng lượng giảm trên diện rộng khi giá dầu thô WTI của Mỹ mất 3,7% và kết phiên ở 68,2 USD/thùng, giá dầu Brent chuẩn quốc tế cũng giảm 2,7% còn 71,5 USD/thùng. Cổ phiếu đại gia dầu khí Exxon Mobil giảm 1,5%, Devon Energy giảm 2,4%.
Cổ phiếu tài chính đóng cửa trong sắc đỏ với Goldman Sachs giảm 2,6%, Wells Fargo mất 2,3%, JPMorgan Chase và Bank of America mất lần lượt 1,8% và 1,6%.
Theo ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, việc thị trường đi xuống "phản ánh những bất định xoay quanh ba vấn đề lớn là 1) liệu Omicron có dẫn tới phong tỏa kinh tế lần nữa không, 2) kế hoạch kích thích tài khóa của Tổng thống Joe Biden bất ngờ gặp trở ngại, và 3) chỉ số S&P 500 cắt xuống dưới đường bình quân trượt 50 ngày".
Theo CNBC, thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia mới tuyên bố sẽ không ủng hộ kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.750 tỷ USD mang tên "Build Back Better" (tạm dịch là "Xây lại tốt hơn") mà Tổng thống Biden cực lực ủng hộ.
Nếu không có lá phiếu của ông Manchin, Đảng Dân chủ sẽ không đủ thế đa số để thông qua dự luật ở Thượng viện.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Manchin trước đây đã cam kết ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Biden nhưng không hiểu sao giờ lại đổi ý. Nhà Trắng sẽ tiếp tục làm việc để thuyết phục ông Manchin thay đổi quan điểm một lần nữa.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì chỉ trích ông Manchin là "không có gan" chống lại các nhóm lợi ích để ủng hộ nhân dân lao động.
Goldman Sachs lập tức cắt giảm dự báo tăng trưởng sau tuyên bố của ông Manchin, GDP quý I/2022 được kỳ vọng chỉ tăng 2%, thấp hơn mức 3% dự báo trước đó. Dự báo GDP quý II và quý III cũng bị điều chỉnh xuống.
"Sau phát biểu của ông Manchin, khả năng dự luật được thông qua rõ ràng đã giảm và chúng tôi sẽ loại bỏ giả định về gói đầu tư 1.750 tỷ USD khỏi mô hình dự báo", ông Jan Hatzius, Kinh tế trưởng của Goldman Sachs nói.
"Lạm phát toàn phần có thể lên tới 7% trong vài tháng tới rồi mới bắt đầu hạ nhiệt. Vì vậy, lo ngại về lạm phát của Thượng nghị sĩ Joe Manchin và các chính trị gia khác nhiều khả năng sẽ còn kéo dài, khiến cho dự luật càng khó được phê chuẩn", ông Hatzius nói thêm.
Tuần trước, Nasdaq Composite thiệt hại nặng nề nhất khi mất gần 3%, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 1,7% và 1,9%. Các chỉ số chính đồng loạt đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ mạnh tay hơn trong việc giảm bơm tiền và tăng lãi suất.