Chia sẻ với VnExpress, bà Rebecca Ball, Tham Tán Thương mại Cấp cao - Cơ quan Thương Mại & Đầu tư Chính phủ Australia cho biết, tôm hùm, cua, cá hồi... của Australia rất được chuộng ở Việt Nam.
Hiện đây là thị trường top 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu thủy sản của Australia. Theo thống kê, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của nước này sang Việt Nam tăng hơn 45%, đạt trên 62 triệu AUD.
"Mức tăng trưởng này rất tốt dù ảnh hưởng đại dịch. Năm nay, nếu dịch bệnh không phức tạp, sức tiêu thụ hải sản Australia tại Việt Nam có thể còn tăng cao hơn nữa", bà Rebecca Ball nhận định.
Tương tự, cá bơn, bào ngư Hàn Quốc cũng đang được Việt Nam nhập rất nhiều. Ông Youn Jong Chul, Giám đốc Văn phòng đại diện Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến hải sản Hàn Quốc thừa nhận, Việt Nam đang vượt qua nhiều thị trường và đứng ở vị trí thứ 2 (chỉ sau Mỹ) về sức tiêu thụ cá bơn Hàn Quốc.
"Chúng tôi chưa tổng kết xong số liệu về kim ngạch hải sản Hàn Quốc vào Việt Nam trong 11 tháng qua. Tuy nhiên, sơ bộ thì tỷ lệ tăng trưởng trong năm nay tốt hơn so với năm ngoái", ông Youn Jong Chul nói.
Ông cho biết, 2 tháng cuối năm nay số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký xuất khẩu thuỷ sản sang Việt Nam tăng rất nhanh. Trung tâm hỗ trợ của nước này liên tục nhận được các đề nghị kết nối để bán hải sản Hàn Quốc vào Việt Nam.
Ngoài Hàn Quốc, Australia, hải sản từ Canada, Mexico cũng đang ồ ạt vào Việt Nam với nhiều chủng loại. Khảo sát trên thị trường cho thấy, tôm, cua, bào ngư, ốc, cá từ các quốc gia trên về Việt Nam đang tăng gấp đôi về số lượng chủng loại, giá cả cũng ngày càng hấp dẫn.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, một trong những nhà nhập khẩu lớn ở TP HCM, cho biết sức tiêu thụ hải sản nhập khẩu sau dịch đang tăng 30-40%. Trong đó, tôm hùm Astralia, bào ngư, cá bơn Hàn Quốc và King Crab từ Canada được mua nhiều nhất. Hiện, khá nhiều quốc gia đã ưu đãi thuế nhập khẩu với hàng tươi sống về mức 0% nên giá sản phẩm bán ra cho người tiêu dùng đã có nhiều ưu đãi hơn
Ông Youn Jong Chul cho rằng, Việt Nam là thị trường đầy triển vọng, vì trong khi nhiều nơi giảm nhập hàng do ảnh hưởng dịch bệnh, nơi đây vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí có thể vươn lên dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ trong thời gian tới.
"Trước đây hải sản Hàn Quốc sang Việt Nam chủ yếu là hàng đông lạnh. Nay các doanh nghiệp ở Việt Nam đã học hỏi được nhiều kỹ thuật để bảo quản hàng tươi sống nên hàng tươi về nhiều hơn", ông Youn Jong Chul nhìn nhận.
Bà Rebecca Ball cũng cho rằng, Australia cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế xuất và quảng bá sản phẩm sang Việt Nam. Hiện, các phía Astralia và Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến để kết nối nguồn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thi Hà