Đầu tuần này, Cục Thuế thành phố Hàng Châu đã phạt Viya (Vi Á) - người được mệnh danh là "nữ hoàng chốt đơn" tại Trung Quốc, 210 triệu USD, đồng thời cáo buộc cô che giấu thu nhập cá nhân và kê khai sai lệch thông tin thu nhập trong hai năm 2019 và 2020.
Tháng trước, các nhà chức trách tại Hàng Châu cũng phạt hai livestreamer khác tổng cộng gần 15 triệu USD vì kê khai thu nhập cá nhân thành thu nhập doanh nghiệp, Bloomberg thông tin thêm.
Loạt biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các livestreamer đánh dấu một bước leo thang mới trong chiến dịch trấn áp hành vi gian lận thuế mà Bắc Kinh khởi xướng, từ đó giúp Chủ tịch Tập Cận Bình tiến gần hơn tới mục tiêu "thịnh vượng chung" để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Theo Bloomberg, các livestreamer đã thành lập nhiều công ty tư nhân để tận dụng những ưu đãi thuế của nhà nước, có thể giúp mức thuế mà họ cần phải đóng giảm xuống còn một chữ số.
Cục Thuế thành phố Hàng Châu cho biết, bằng cách thành lập nhiều công ty tư nhân và doanh nghiệp hợp danh cũng như tạo ra các công ty ma, Viya đã biến thu nhập từ thù lao lao động của mình thành thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài các ông hoàng, bà hoàng "chốt đơn" như Viya, Bắc Kinh còn nhắm đến một số người nổi tiếng, vừa để kiểm soát vấn nạn trốn thuế vừa giúp ngăn chặn việc quảng bá văn hóa thần tượng "không phù hợp".
Trước Viya, nữ diễn viên Trịnh Sảng cũng vướng nghi án trốn thuế và bị yêu cầu nộp phạt tổng cộng hơn 46 triệu USD vào đầu năm nay. Song, ngôi sao Trung Quốc nổi tiếng nhất từng bị kết luận trốn thuế chính là nữ diễn viên hàng đầu Phạm Băng Băng.
Năm 2018, Phạm Băng Băng bị yêu cầu nộp tổng cộng 139 triệu USD tiền thuế và tiền phạt. Sau khi nộp phạt, Phạm Băng Băng phải "ở ẩn" suốt nhiều tháng liền. Theo giới chức Trung Quốc, nữ diễn viên đã sử dụng nhiều hợp đồng khác nhau để che giấu thu nhập thật với cơ quan thuế.
Vào tháng 9, sau khi công bố các đợt rà soát thuế mới đối với giới ngôi sao, các cơ quan thuế tại Trung Quốc đã yêu cầu họ tự báo cáo hành vi sai trái của bản thân để hưởng khoan hồng. Kể từ đó, hơn 1.000 livestreamer và người lao động trong các ngành nghề mới khác đã tự nguyện bù đủ số thuế còn nợ.
Lỗ hổng để trốn thuế
Một lỗ hổng mà các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ tận dụng để trốn thuế vốn được tạo ra nhằm mang lại lợi ích cho những công ty này, Bloomberg nhấn mạnh.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc thường gặp khó khăn trong việc xuất trình tất cả hóa đơn cần thiết để chứng minh chi phí hoạt động của họ trước cơ quan thuế, dù đây là thứ cần để tính toán các khoản thuế còn nợ.
Ở chiều ngược lại, các cơ quan thuế cũng phải rất chật vật kiểm toán thông tin mà doanh nghiệp nhỏ khai báo. Quan chức nhà nước phải thực hiện một quy trình kiểm tra chặt chẽ đối với số liệu doanh thu và chi tiêu của doanh nghiệp để xác định thu nhập chịu thuế.
Để giảm bớt khó khăn cho cơ quan thuế, Trung Quốc đã tạo ra một cơ chế gọi là hệ thống thu thuế xác minh (verification tax collection system).
Theo hệ thống này, thay vì phải vất vả kiểm chứng giấy tờ của các doanh nghiệp tư nhân, một số cơ quan thuế sẽ chọn một tỷ lệ lợi nhuận nhất định dựa trên ước tính biên lợi nhuận của công ty đó để tính thuế.
Giả sử, một quán cà phê có doanh thu 1 triệu nhân dân tệ/năm có biên lợi nhuận 10%, thì cơ sở kinh doanh này sẽ bị đánh thuế dựa trên 100.000 nhân dân tệ lợi nhuận.
Thu nhập cá nhân | Thu nhập doanh nghiệp | |
---|---|---|
Doanh thu | 3 triệu nhân dân tệ | 3 triệu nhân dân tệ |
Chi phí hoạt động | không rõ | không rõ |
Thu nhập chịu thuế | 3 triệu - 60.000 (ngưỡng chịu thuế tối thiểu hàng tháng 5.000 * 12 tháng) = 2.940.000 | 3.000.000 * 10% (tỷ lệ thường được sử dụng) = 300.000 |
Thuế phải đóng | 2.940.000 * 45% - 181.920 (khấu trừ nhanh) = 1.141.080 | 300,000*20% - 10,500 = 49,500 |
Thuế phải đóng so với thu nhập chịu thuế | 38% | 1,7% |
Lưu ý: Thu nhập cá nhân trong bảng so sánh là lương net (tiền lương thực nhận mà người lao động được công ty trả hàng tháng sau khi đã trừ hết các loại khoản chi phí bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân), không tính các khoản đóng góp phúc lợi.
Mỗi tỉnh thành tại Trung Quốc sử dụng một bộ tỷ lệ biên lợi nhuận khác nhau. Ngoài ra, các khu vực còn cạnh tranh với nhau để thu hút nhiều doanh nghiệp đến đăng ký hoạt động tại địa phương của họ.
Ông Jiao Ruijin, thành viên cấp cao của Viện Thuế Trung Quốc, cho hay: "Cách chính để các livestreamer và người nổi tiếng trốn thuế thu nhập cá nhân là lợi dụng hệ thống thu thuế xác minh dành cho doanh nghiệp tư nhân…"
"Bất luận bạn làm việc cho người khác hay cho chính mình, về cơ bản phương pháp tính thuế đều phải giống nhau…
Đáng lẽ, các cơ quan thuế nên đánh thuế mọi người thông qua kiểm tra tình trạng thu nhập, chứ không phải bằng một quy chế mơ hồ như thu thuế xác minh", ông Zhu Tian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc châu Âu nhấn mạnh.