vĐồng tin tức tài chính 365

Vốn tín dụng góp phần hỗ trợ, phát triển mặt hàng nông sản thế mạnh của Quảng Nam

2021-12-22 03:55

Ngày 21/12/2021, đồng chí Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Phó Thống đốc Thường trực NHNN đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy Quảng Nam tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu NHNN có đại diện: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, các NHTM Nhà nước; Tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Nam có đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam; đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội; Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh, một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn…

Việc ban hành Nghị quyết 26 là một chủ trương đúng đắn và phù hợp

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú – thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược và là lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nông thôn mới trở thành phong trào phát triển trên cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế; đặc biệt sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng…

Đồng chí Đào Minh Tú nhấn mạnh, Nghị quyết 26-NQ/TW là Nghị quyết đầu tiên của Trung ương về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, cần thực hiện tổng kết sâu sắc, toàn diện, khách quan, khoa học, bám sát thực tế, phản ảnh đúng thực tế theo chỉ đạo của Trung ương. Ngoài các nội dung tổng kết theo đề cương của Trung ương, đồng chí Đào Minh Tú đề nghị tỉnh Quảng Nam đánh giá thêm những kết quả đạt được, nhất là việc vận dụng Nghị quyết vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh; các mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả; các bài học kinh nghiệm của địa phương; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, đánh giá thêm nội dung xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để tạo đột phá trong lĩnh vực này; Đề xuất về quan điểm, định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, gắn với việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự thay đổi của bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước để Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.

C:Usershang.ninhthuDownloadsKDK_8239.jpg

Đồng chí Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trình bày báo cáo công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức tổng kết; đánh giá tình hình, kết quả triển khai 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thuỷ sản trong GRDP giảm từ 25,84% năm 2008 xuống còn khoảng 14,5% năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2020 là 4,16% (cao hơn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là 3,5%-4%/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân ngành này toàn quốc – 2,94%). Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp và thủy sản tăng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lúa, cây ăn trái, rau màu an toàn, đặc biệt là tập trung phát triển cây dược liệu ở các huyện miền núi của tỉnh, với sản phẩm dược liệu có giá trị cao như: Sâm Ngọc Linh, quế Trà My; thay đổi phương thức chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản; nâng cao giá trị trồng rừng thông qua quản lý rừng bền vững... là những điểm nổi bật giúp tận dụng lợi thế của tỉnh, tăng năng suất, giá trị gia tăng cho nông nghiệp.

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn cũng được quan tâm phát triển, tập trung vào các làng nghề có thế mạnh của tỉnh. Tính đến cuối năm 2020, tỉnh có 207 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Quảng Nam, thu hút nhiều khách quốc tế với các sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Du lịch đảo Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế, du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu, làng mộc Kim Bồng, Hội An…

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 113/194 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 58%; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 15,96 tiêu chí/xã; 03 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đã huy động đa dạng các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó vốn tín dụng ngân hàng chiếm 48,4%, vốn ngân sách nhà nước chiếm 43,4%, vốn huy động doanh nghiệp, hợp tác xã 2,6%; vốn nhân dân đóng góp 5,6%.

Hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2020 là 5,23%, giảm đáng kể so với mức 24,2% của năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cuối năm 2020 đạt mức 40,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Đời sống người dân ở khu vực nông thôn được cải thiện, các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, góp phần tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của tỉnh từ 40% năm 2010 lên 65% cuối năm 2020; Chất lượng lao động nông thôn đã có bước cải thiện. Việc đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng có nhiều điểm đáng ghi nhận. Theo đó, tỉnh đã chú trọng chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản.

C:Usershang.ninhthuDownloadsKDK_8226.jpg

Đồng chí Phan Việt Cường chủ trì tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Nam

Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã tăng cường chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để giải quyết các vấn đề về bảo tồn giống, phát triển các loại cây con đặc sản của tỉnh;… nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, tạo bước đột phá trong việc chủ động nguồn giống tại chỗ, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tỉnh đã chủ động, sáng tạo, tìm tòi, mạnh dạn tổ chức kết nối thị trường, tổ chức quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện tích cực cho lưu thông, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất tập trung với quy mô ngày một tăng cao.

Để tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với trên 400/2.946 doanh nghiệp đã đầu tư, trong đó, lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản có hơn 164 dự án đầu tư. Đồng thời, quan tâm đa dạng hoá các nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này, từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các nguồn lực của tỉnh, vốn vay nước ngoài, vốn tín dụng, vốn đầu tư của người dân, doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn trong gần 15 năm qua, với nguồn vốn huy động tăng gần 12 lần, tín dụng tăng gần 8 lần (tổng dư nợ hiện đạt khoảng gần 84.000 tỷ đồng) cơ bản đã đóng góp một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Những kết quả trên khẳng định việc ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Nguồn vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 26 của tỉnh

Chia sẻ kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đại diện NHNN Chi nhánh Quảng Nam cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng trưởng tốt qua các năm với mức tăng bình quân chung đạt 24,37% (cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực này của cả nước), những năm gần đây luôn chiếm tỷ trọng khá cao (năm 2020 gần 28%) trong tổng tín dụng chung của tỉnh; tín dụng nông nghiệp nông thôn tập trung chủ yếu cho cá nhân, hộ gia đình (chiếm 81%), tiếp đến là doanh nghiệp (chiếm 18%). Đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Vốn tín dụng góp phần hỗ trợ phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn như: Chăn nuôi (đạt 4.123 tỷ đồng, chiếm 19%), thủy sản (đạt 1.683 tỷ đồng, chiếm 7,6%), lâm nghiệp (đạt 1.169 tỷ đồng, chiếm 5,3%)... Vốn tín dụng cũng đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, với tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến nay đạt trên 17.478 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình này.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng chí Đào Minh Tú ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam để đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết theo Kế hoạch và yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Qua nghe các báo cáo, trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Đào Minh Tú đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được qua gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng của tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đầy đủ công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền về Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn... Tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình hành động, các Nghị quyết, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW và các Kết luận của Trung ương. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án của địa phương, ban hành hàng trăm văn bản, quyết định, chỉ đạo liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết. Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt từ các cấp, các ngành của tỉnh, kể từ sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW đến nay, tỉnh đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc cần có giải pháp cụ thể để khắc phục trong giai đoạn mới như: Chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp còn chậm; chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tính liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ còn thấp nên chưa tạo ra tính cạnh tranh cao cho nhiều loại nông sản; Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; Hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến còn thiếu và hạn chế. Thu nhập của người dân ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; Những khó khăn của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, y tế, an sinh xã hội, lao động... đặc biệt là tới các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn, vốn là điểm nhấn trong hoạt động dịch vụ của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định nhiều định hướng, chiến lược, đột phá quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới. Vì vậy, đồng chí Đào Minh Tú lưu ý và mong muốn tỉnh tiếp tục bám sát định hướng tại các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu xây dựng “nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” để đề xuất quan điểm, chủ trương, thể chế thực hiện cho giai đoạn mới; Nhìn nhận đầy đủ bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước với các vấn đề nổi cộm hiện nay như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu... để tìm ra lợi thế so sánh của tỉnh trong phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, đưa ra định hướng, mục tiêu phát triển khu vực này.

Liên quan đến chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã ban hành đầy đủ khung khổ pháp lý, quy định làm cơ sở để TCTD cho vay đối với khách hàng, trên tinh thần trao quyền tự chủ, thỏa thuận tối đa cho TCTD và khách hàng. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có 01 Nghị định riêng về tín dụng để phục vụ phát triển lĩnh vực này với nhiều cơ chế hỗ trợ như: Cho vay không có tài sản bảo đảm từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị (mức vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% dự án, phương án); chính sách xử lý nợ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan bất khả kháng (cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm, khoanh nợ)... NHNN còn có chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (hiện là 4,5%/năm). Ngoài ra, NHNN cũng đã hướng dẫn và chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù trong nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68, cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30...

Trên toàn quốc, tín dụng nông nghiệp, nông thôn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (bình quân giai đoạn 2008-2020 tăng 18,59%) và tăng gấp gần 9 lần trong gần 15 năm qua, đến nay, đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm 25,11% tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong công tác chỉ đạo điều hành hàng năm, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, góp phần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Tiếp tục đồng hành phát triển kinh tế “tam nông”

Một lần nữa khẳng định, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là lĩnh vực được NHNN và ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư vốn tín dụng. Do đó, trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam cần nắm bắt kịp thời các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để kịp thời chỉ đạo các TCTD cho vay đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn của người dân và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn; Thực hiện kịp thời và đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Ngành, của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo bằng các chương trình hành động, kế hoạch và việc làm cụ thể, khắc phục những tồn tại hạn chế, chủ động đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu về vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.

Hội sở chính các TCTD và chi nhánh TCTD trên địa bàn cần bám sát và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền địa phương để đầu tư cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; Tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn để cho vay phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống chính đáng của nông dân; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vốn của người dân khu vực này; Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở nông thôn...

Đồng chí Đào Minh Tú cũng mong muốn và đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, định hướng, triển khai đồng bộ các chính sách phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội của địa phương nói chung, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng để tạo hiệu ứng lan tỏa.

Hà My

Ảnh: Đức Khanh

Xem thêm: 330174VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Vốn tín dụng góp phần hỗ trợ, phát triển mặt hàng nông sản thế mạnh của Quảng Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools