Tờ The Guardian ngày 21-12 đưa tin Tổng thống Vladimir Putin vừa có bài phát biểu về tình hình căng thẳng ở biên giới nước này và Ukraine tại Trung tâm Kiểm soát quốc phòng quốc gia Nga trước nhiều tướng lĩnh quân sự nước này với nhiều phát ngôn đáng chú ý.
Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục cho rằng chính sự mở rộng hiện diện quân sự của NATO và Mỹ ở châu Âu là nguồn cơn cho căng thẳng hiện nay. Bên cạnh đó, việc các bên này tiếp tục ủng hộ và viện trợ vũ khí cho Ukraine đang đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia Nga.
"Những gì Mỹ và phương Tây đang làm là ngay sát cửa nhà của chúng tôi. Họ nên biết chúng tôi không còn đường lùi nữa. Dưới sự bảo hộ của Mỹ, họ đang tiếp tay cho các phần tử cực đoan ở nước láng giềng Ukraine chống lại Nga, chống lại hiện diện của Nga trên bán đảo Crimea. Họ nghĩ chúng tôi sẽ im lặng đứng nhìn sao?" - ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông cũng tiếp tục khẳng định việc Nga tập trung lượng lớn binh sĩ và khí tài áp sát là một thông điệp rằng Moscow sẽ không ngại đưa quân tấn công nếu cần thiết.
"Nếu phương Tây tiếp tục đường lối hiếu chiến, chúng tôi sẽ có những biện pháp đáp trả về mặt quân sự nhằm phản ứng trực tiếp với mọi động thái không thân thiện. Tôi muốn làm rõ là chúng tôi hoàn toàn có quyền làm điều đó" - ông Putin cảnh báo.
Dù vậy, Tổng thống Putin cũng có để ngỏ một số khả năng đàm phán hòa bình, nhưng trước hết là Mỹ và phương Tây phải có phản ứng chính thức về bản dự thảo hiệp ước an ninh tám điểm để giải quyết căng thẳng hiện tại mà Moscow đã công bố hồi tuần trước.
"Có nhiều tín hiệu cho thấy phương Tây đã sẵn sàng để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro họ sẽ cố tình trì hoãn, hủy bỏ thỏa thuận chúng tôi hoặc lợi dụng không khí hòa hoãn tạm thời để chuẩn bị làm gì đó" - ông Putin cho hay.
Về nội dung của dự thảo hiệp ước, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và khí tài khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997 - gồm Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan. NATO cũng phải ngừng mở rộng hiện diện quân sự về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và ngừng các cuộc diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Caucasus nếu chưa có sự đồng ý từ Nga.
Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, tiếp tục đàm phán để thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ đã rút từ năm 2018.
"Những gì đang diễn ra ở châu Âu lúc này hoàn toàn là lỗi của Mỹ và phương Tây. Nga liên tục bị buộc phải phản ứng lại ở mỗi vụ việc, và tình hình đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Giờ là lúc phải ra quyết định, chúng ta không thể để căng thẳng leo thang hơn nữa" - ông Putin khẳng định.
Theo The Guardian, cả giới học giả Nga lẫn phương Tây đều cho rằng với các động thái cứng rắn thời quan, Moscow nhiều khả năng sẽ không chấp nhận nhượng bộ với những yêu cầu nói trên. Cùng với việc NATO và Mỹ có thể cũng sẽ tiếp tục lập trường quyết đoán về các vấn đề an ninh châu Âu nói chung từ đó đến nay, rủi ro nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine đang gia tăng rất nhanh.
Thậm chí, giới lãnh đạo Nga hoàn toàn có thể dựa vào việc phương Tây và Mỹ phớt lờ dự thảo của họ để phát động chiến tranh vào đầu năm sau, theo đúng các thông tin tình báo từ Ukraine và Mỹ.