Những điểm nóng ở khu vực và quốc tế gần đây, nhất là vấn đề Biển Đông đặt ra cho Việt Nam cần bình tĩnh xử lý và hợp tác quốc tế để phát triển đất nước.
Cạnh tranh phi truyền thống quyết liệt
Thời gian qua, đặc biệt trong năm 2021, vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh khu vực đều được các nước tập trung xử lý, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Đây là vấn đề chi phối rất lớn về địa chính trị liên quan đến chiến lược an ninh quốc gia nhiều nước và là nơi diễn ra cuộc đua tranh về chính trị bằng các giải pháp phi vũ trang.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Rất nhiều hoạt động diễn ra trong khu vực này và nhiều hoạt động khác đụng chạm đến an ninh các quốc gia trong khu vực, áp đặt quyền khai thác, đánh bắt, khống chế hàng trăm tàu thuyền trú bão. Những vấn đề nêu trên dễ xảy ra điểm nóng, xung đột cần kiềm chế, bình tĩnh giải quyết trên tinh thần đối thoại vì lợi ích, tôn trọng lợi ích khu vực nói chung và quốc gia nói riêng.
Quan điểm của Đảng rất rõ ràng, đó là tăng cường ngoại giao theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và luôn giữ thế chủ động theo đúng tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII. Cụ thể là tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tập hợp sức mạnh truyền thống và hiện tại, sức mạnh trong nước và quốc tế để tạo nên nội lực. Từ đó, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kể cả bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng được tăng cường, sôi nổi như đối thoại quốc phòng tại Trung Quốc, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow; tham gia các diễn đàn ASEAN để tạo ra tiếng nói chung, tập hợp các lực lượng bảo vệ khu vực hòa bình, ổn định. Gần đây, quân đội chúng ta tham gia các hoạt động hội thao quân sự do Nga tổ chức; cử các lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Chúng ta còn tham gia chương trình giao lưu hữu nghị với Trung Quốc, Lào và Campuchia để quân đội, nhân dân các nước hiểu nhau hơn.
Các hoạt động đối ngoại như thế sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy hòa bình hữu nghị.
Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2021), Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, chia sẻ với bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM về dự báo diễn biến của an ninh và hoạt động đối ngoại quốc phòng của quân đội trong thời gian tới. |
Đối ngoại quốc phòng luôn giành thế chủ động
Thời gian tới, tình hình khu vực, thế giới có nhiều bất ổn, đặt ra nhiều tình huống khó lường về mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc; xung đột tại một số quốc gia vẫn còn tồn tại, đặt ra nhiều vấn đề để xử lý.
Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chiến tranh phi truyền thống, đại dịch COVID-19... là cuộc chiến không tiếng súng nhưng hao tổn người và tiền của, buộc phải huy động nhiều lực lượng, trong đó lực lượng quốc phòng của từng nước phải vào cuộc, gánh vác trách nhiệm rất lớn.
Biến đổi khí hậu dẫn đến bão lũ, động đất khó lường hơn cũng chi phối đến an ninh quốc phòng cho từng quốc gia, đòi hỏi phải có hành động chia sẻ của từng nước để xử lý vấn đề quốc tế.
Các vấn đề này chi phối rất lớn đến hoạt động quân sự, nếu không giải quyết đúng hướng có thể dẫn đến rối loạn trật tự xã hội như di cư, khủng hoảng kinh tế, xáo trộn xã hội, phân hóa giàu nghèo lớn, khả năng xảy ra xung đột lớn...
Dự báo cạnh tranh các nước lớn và cạnh tranh phi truyền thống hết sức quyết liệt.
Đứng trước các thách thức trên, đối ngoại quốc phòng trong tổng thể đối ngoại của Đảng và Nhà nước luôn giành được niềm tin, sự tin cậy rất lớn trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn về quốc phòng.
Đặc biệt là diễn đàn ASEAN Plus, đây một trong những sáng kiến của Việt Nam mà các nước cũng muốn tham gia vào cơ chế hoạt động của ASEAN, đây cũng là trí tuệ của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Chúng ta giữ được thế cân bằng trong môi trường đầy biến động, luôn cân bằng lợi ích quốc gia, dân tộc, đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước, tranh thủ cơ hội khoa học, quân sự để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc.
Chúng ta có nhiều sáng kiến để bảo vệ hòa bình chung khu vực, không sử dụng vũ lực để giải quyết các mối quan hệ quốc tế. Đáng chú ý, các chuyến làm việc của Bộ Quốc phòng đến Nga và Nhật đã để lại nhiều dấu ấn, kế thừa được truyền thống vào tình hình mới.
Sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo cho mọi thắng lợi
Có thể khẳng định đối ngoại quốc phòng Việt Nam luôn giành thế chủ động, vừa hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng luôn chủ động, đủ sức bảo vệ đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế.
Đặc biệt, khi đại dịch diễn biến phức tạp, chúng ta hỗ trợ vật chất với các nước có quan hệ truyền thống và để lại dấu ấn tốt đẹp, dù giá trị kinh tế không lớn nhưng đã tạo niềm tin, tình cảm trong lòng các nước.
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trước hết Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục, xuyên suốt là đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, tiếp tục là quân đội của nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quân đội tiếp tục tăng cường xây dựng thành đội quân mạnh về chính trị, quân sự, phải luôn trung thành và nhận bất kỳ nhiệm vụ nào trong mọi tình huống. Luôn mở rộng, xử lý tốt các vấn đề đối ngoại quốc phòng, cùng với Đảng và Nhà nước tạo thế trận chiến tranh nhân dân. (PHONG ĐIỀN ghi)
Màu áo xanh Tôi rất cảm động hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong đại dịch ở các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ. Khi đại dịch càn quét, hình ảnh những người con nhân dân mặc áo bộ đội đi chợ giúp dân, làm bất cứ việc gì nhân dân cần ở các tâm dịch gợi lên nhiều xúc cảm, đầy tính nhân văn, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong cuộc chiến chống đại dịch. Những hình ảnh trên sẽ luôn khắc sâu trong mỗi người dân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, tiếp tục củng cố niềm tin tất thắng, niềm tin là ở đâu có bộ đội Cụ Hồ sẽ làm vơi đi đau thương, mất mát của nhân dân... Trung tướng NGUYỄN ĐỨC HẢI |