Thông tin trên được bà Lê Thị Thúy, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội), chia sẻ tại hội nghị trực tuyến tuyên truyền "Phòng, chống tệ nạn mại dâm và HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức mới đây.
Theo số liệu của Chi cục Phòng chống tệ nạn, trên địa bàn Hà Nội có 6.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Nếu như đầu năm 2021, có 10 khu vực tập trung nhiều cơ sở dễ phát sinh tệ nạn, thì đến đầu tháng 12 đã giảm xuống còn 5 khu vực.
Tệ nạn mại dâm trong bối cảnh giãn cách Covid-19 có lắng xuống nhưng lực lượng chức năng vẫn phát hiện một số cơ sở lén lút tổ chức hoạt động mại dâm. Một số khu vực công cộng có tuyến đường, phố trong nội thành vẫn còn có hiện tượng người nghi hoạt động mại dâm đứng chào khách.
Thông tin thêm về thực trạng tình hình mại dâm, bà Thúy cho hay: “Đối tượng tham gia hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng hóa về tuổi đời và thành phần xã hội. Ngoài phụ nữ bán dâm còn có nam giới bán dâm cho người đồng tính và dịch vụ tình dục cho phụ nữ có nhu cầu đã xuất hiện theo hướng thương mại hóa. Bên cạnh đó, tình trạng người bán dâm sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng”.
Mại dâm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng Ảnh: T.N |
Đáng chú ý, theo bà Thúy, hoạt động mại dâm theo hình thức “gái gọi” và mại dâm sử dụng công nghệ cao (qua mạng internet, điện thoại di động) đang có diễn biến phức tạp, rất khó phát hiện, kiểm soát và xử lý theo quy định.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và trong thời kỳ phát triển mạng xã hội, các đối tượng đã lợi dụng internet để hoạt động mại dâm phổ biến thông qua trên các trang web đen, các hội nhóm kín trên trang mạng xã hội như: FB, zalo, viber, telegram để quảng cáo, chào mời khách mua dâm hoặc qua đối tượng môi giới là các thành viên của trang web sex để tìm kiếm mua dâm diễn biến tương đối phức tạp gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
“Một số hình thức biến tướng như: “gái bao”, “trai bao”, “sugar baby”, “con nuôi”… đều là những người trẻ tuổi tìm người có tài chính nhưng thực chất đây thực ra là hoạt động mại dâm trá hình. Họ ký hợp đồng với nhau trên cơ sở thỏa thuận trao đổi về tình dục, về vật chất”, bà Thúy thông tin.
Để đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, bà Thúy cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 50 thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030” có chỉ thị về tăng cường phòng chống HIV/AIDS, xác định 4 nhóm mục tiêu và 5 nhóm chỉ tiêu: đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Hà Nội phấn đấu có ít nhất 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; triệt xóa 100% điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, không để phát sinh điểm mới. Duy trì không để tái hoạt động trở lại tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa. Hằng năm, tổ chức kiểm tra trên 60% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Kết hợp chặt chẽ hoạt động phòng, chống mại dâm với các hoạt động phòng, chống mua bán người và phòng, chống HIV/AIDS. Triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo Mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã; đánh giá xếp loại xã, phường, thị trấn hằng năm. Triển khai các mô hình mới về hỗ trợ giảm hại đối với người bán dâm…