Ảnh: N.KHẮC PHÊ
Ngoài tập 1 dành tuyển truyện ngắn và bút ký, các tập còn lại đã in toàn bộ các tiểu thuyết của tác giả: tập 2 có tiểu thuyết Thung lũng thử thách và Thử thách còn lại; tập 3 có tiểu thuyết Bán đảo, Họ cùng thời với những ai và Trùng tu; tập 4 có tiểu thuyết Khê Ma Ma và Minh sư; tập 5 gồm tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng và những bài bình luận về tác phẩm của Thái Bá Lợi.
Trong đó, một trong những phần bạn đọc có thể quan tâm là "Bút ký" (trong tập 1) dày hơn 200 trang, gần như là một "tự truyện" của tác giả, đã cung cấp cho độc giả rất nhiều tư liệu sinh động, chân thực về nhiều nhân vật tên tuổi.
Với nhà văn Nguyễn Minh Châu, là người "hàng xóm" gần gũi nên Thái Bá Lợi biết rõ thân phụ anh Châu bị đấu tố trong "Cải cách", mặc dù cụ từng khao cả tiểu đoàn trước khi ra mặt trận Điện Biên Phủ; nhờ cụ có 5 người con đi bộ đội nên được giảm án từ tử hình xuống chung thân, nhưng rồi cụ cũng mất trong tù!
Cũng qua những trang bút ký này, bạn đọc biết thêm nhiều chi tiết về hai nhà văn - chiến sĩ lừng danh là Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung.
"Nếu không có nhà văn Nguyên Ngọc, cuộc đời tôi có thể rẽ sang một hướng khác, có thể không phải là người viết văn như bây giờ" - Thái Bá Lợi đã viết như thế, do từ năm 1971, từ một đại đội quân y bám trụ trong khu rừng già huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để tránh những đợt càn quét khốc liệt của đối phương, ông bất ngờ được mời lên Bộ tư lệnh quân khu để sung vào Ban văn học theo đề nghị của nhà văn Nguyên Ngọc.
Đây chính là nơi hội tụ một loạt những nhà văn - chiến sĩ nổi tiếng như Phan Tứ, Phan Huỳnh Điểu, Vương Linh, Lưu Trung Dương, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Trần Văn Thủy, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Khắc Phục, Phương Thảo...
Trong lời giới thiệu cho tuyển tập, NXB nhận định: "Thái Bá Lợi được xem là một trong số nhà văn viết về chiến tranh được đông đảo bạn đọc chú ý và giới phê bình văn học ở nước ta đánh giá cao".
Có thể nói thêm, cây bút của Thái Bá Lợi luôn thể hiện tinh thần của người chiến sĩ, không ngại xông vào những đề tài "hóc búa".
Hai tiểu thuyết Minh sư (viết về chúa Nguyễn Hoàng) và Câu chuyện Đà Nẵng với nhân vật chính nguyên mẫu là cựu bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặt những vấn đề sâu sắc về cách nhìn nhận lịch sử - văn hóa và sự phức tạp trong công cuộc đổi mới lãnh đạo, quản lý xây dựng đất nước đã chứng tỏ điều đó.
Còn nhiều, rất nhiều tư liệu trong hơn 200 trang "bút ký" của bộ tuyển tập này bổ sung cho "chính sử" và giúp bạn đọc hiểu sâu hơn cội nguồn và quá trình sinh thành nên những tác phẩm đã dựng nên "Thái Bá Lợi - Tuyển tập" bề thế hôm nay. Đó cũng là con đường lớn của hầu hết các nhà văn - cựu binh Việt Nam...
Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945 tại làng Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhưng "bén duyên" với làng văn từ đất Quảng và gắn bó với vùng đất này cho đến nay.
Thái Bá Lợi nhập ngũ từ năm 1965, trải qua các chiến trường Trung Lào, Đường 9 (Quảng Trị), Tết Mậu Thân (Huế), từ năm 1969 tiến vào mặt trận Quảng Đà và từ năm 1971 là thành viên Ban văn học Quân khu 5.
Tròn nửa thế kỷ cầm bút, bền bỉ và thầm lặng sáng tạo, Thái Bá Lợi đã có một khối lượng tác phẩm đáng nể trọng, trong đó nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao như Họ cùng thời với những ai (Giải Hội Nhà văn 1983), Trùng tu (Giải A của Ủy ban toàn quốc VHNT), Minh sư (Giải Hội Nhà văn 2010 và Giải Văn học Đông Nam Á 2013)... Do đó, năm 2012 ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
TT - Không dễ đi qua cái bóng của chính mình, ở một góc độ nào đó, Bảo Ninh (ảnh) cũng đang “ở lưng chừng thời gian” - như tên gọi cuốn tiểu thuyết vừa được dịch ra tiếng Việt của nhà văn Canada David Bergen có đề tài liên quan đến cuộc chiến tranh VN.
Xem thêm: mth.19194729022211202-nauq-taux-iol-ab-iaht-hnib-uuc-nav-ahn/nv.ertiout