Theo đó, quy trình chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19 để chống dịch là cần thiết nhưng hiệu quả chỉ định thầu mua sắm lại phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của lãnh đạo các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế địa phương.
4 bước chỉ định thầu rút gọn
Chỉ định thầu rút gọn chỉ được áp dụng trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh, nên pháp luật cũng quy định rõ người đứng đầu các đơn vị thực hiện chỉ định thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trong khi đó, kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ việc Công ty CP công nghệ Việt Á "thổi giá" bộ xét nghiệm COVID-19 khi bán cho CDC và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỉ đồng cho thấy các bên liên quan đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm của các địa phương trên cả nước để trục lợi.
Cụ thể, bộ xét nghiệm COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên ông Phan Quốc Việt - giám đốc Công ty Việt Á - đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Như vậy, các bên liên quan đã lợi dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 để trục lợi. Vậy quy trình chỉ định thầu rút gọn thế nào mà ông Phan Quốc Việt đã dễ dàng thông đồng với các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh, thành phố để "thổi giá"?
Theo quy định điểm a, khoản 1, điều 22; điểm b, khoản 2, điều 38 của Luật đấu thầu, trừ gói thầu cần bảo đảm bí mật nhà nước thì quy trình chỉ định thầu rút gọn như sau:
Bước 1, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu (ở đây là các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành phố) tự xác định và giao cho nhà thầu (các doanh nghiệp cung ứng bộ xét nghiệm COVID-19) có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu.
Bước 2, trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu. Theo đó, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng mua bộ xét nghiệm, sinh phẩm y tế cho nhà thầu (ở đây là Công ty Việt Á).
Trong dự thảo hợp đồng mua sắm phải xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
Bước 3, trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế có trách nhiệm quản lý gói thầu mua bộ xét nghiệm COVID-19, sinh phẩm y tế tự phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu.
Bước 4, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế có trách nhiệm quản lý gói thầu ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu.
"Đường đi" của bộ xét nghiệm thế nào? - Đồ họa: T.ĐẠT
Giao quyền gắn với trách nhiệm, không được tùy tiện
TS Trần Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) - cho rằng chỉ định thầu rút gọn hay không rút gọn suy cho cùng vẫn là con người, cán bộ thực hiện việc mua sắm bộ xét nghiệm. Họ cố tình đục khoét chứ không phải quy trình có lỗ hổng vì quốc gia nào trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh, địch họa cũng cho phép làm rút gọn.
Chỉ định thầu rút gọn để rút ngắn thời gian mua bộ xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh, khẩn cấp nếu làm đàng hoàng không có gì sai. Nhưng rõ ràng với việc Công ty Việt Á lót tay cho lãnh đạo CDC Hải Dương 30 tỉ đồng để được cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 là tham nhũng, tiêu cực.
Tình huống dịch bệnh cấp bách, nguy hiểm nếu không cho chỉ định thầu rút gọn để mua bộ xét nghiệm phục vụ chống dịch thì ảnh hưởng tới tính mạng người dân. Cấp bách từng ngày, từng giờ nên phải cho địa phương chỉ định thầu rút gọn, mua sắm vật tư, chống dịch chậm một ngày có thể chết nhiều người.
"Quy trình thực hiện chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm không có gì sai, nhưng những cán bộ có trách nhiệm liên quan lại không giữ mình, vì thế đã dẫn tới tình trạng thông đồng, thổi giá" - TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trong chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19, CDC các địa phương sẽ tự chọn một đơn vị đủ năng lực để cung cấp thiết bị, rồi sau đó họ mới làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Quyền của lãnh đạo các CDC, các bệnh viện trong chỉ định thầu này rất lớn, nên họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
CDC địa phương đã áp dụng bối cảnh cấp bách dịch bệnh để mua bộ xét nghiệm COVID-19 nhưng không có nghĩa họ được mua sắm tùy tiện. Luật đấu thầu tạo điều kiện thông thoáng cho mua sắm thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng không có luật nào cho phép lãnh đạo các CDC, bệnh viện, quan chức địa phương, bộ, ngành được nhận tiền lót tay khi tổ chức đấu thầu.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hải Dương hồi tháng 2-2021 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập - Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 triển khai rất gấp, các nhà cung cấp rất ít, cái khó là không có thị trường thực sự cho cả mặt hàng, giá cả.
Vì thế việc mua bộ xét nghiệm phụ thuộc vào chỉ đạo của Bộ Y tế, mặt hàng cũng đặc biệt. Thực tế Bộ Y tế đã duyệt nhà cung cấp, duyệt mặt hàng, Bộ Y tế đã có chỉ đạo về mặt hàng và nhà cung cấp, ai được tham gia cung ứng đã rõ rồi.
Về giá thì bộ cũng công bố giá khuyến nghị, vì thế không có thị trường, không còn đấu thầu cạnh tranh nữa. Bối cảnh này rất dễ bị lạm dụng. Việc "thổi giá" bộ xét nghiệm là tội phạm có tổ chức, được chuẩn bị bài bản chứ không đơn giản lòng tham, trục lợi ngẫu nhiên.
"Thậm chí người phạm tội tính được hậu quả vì thế hệ thống giám sát bị vô hiệu hóa, hậu kiểm thông thường và thanh tra, kiểm tra không có tác dụng, nên cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ" - luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Trần Hào Hùng - cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - khẳng định Luật đấu thầu đã quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện được chỉ định thầu, trình tự chỉ định thầu, rồi hồ sơ chỉ định thầu rút gọn.
Còn việc thực hiện chỉ định thầu, mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 ở CDC, bệnh viện, trung tâm y tế các tỉnh thế nào các địa phương tự thực hiện theo quy định. Đồng thời, CDC, bệnh viện các địa phương chỉ định thầu mua bộ xét nghiệm với giá bao nhiêu họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành vi của Công ty Việt Á thông đồng với CDC, bệnh viện các địa phương để "thổi giá" bộ xét nghiệm COVID-19 là hành vi bị cấm theo điều 89 Luật đấu thầu.
Các bên đã thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, đó là: đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; và gian lận trong đấu thầu.
Các nhà thầu vi phạm ngoài việc xử lý trách nhiệm hình sự còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách nhà thầu vi phạm trên mạng đấu thầu quốc gia.
Bối cảnh dịch bệnh, cán bộ các CDC nhận tiền lót tay hàng chục tỉ đồng để thông thầu, "thổi giá" là không thể chấp nhận vì đến khi hậu kiểm thì sự việc đã diễn ra rồi.
TS Trần Việt Hùng
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hải Dương - Ảnh: TIẾN THẮNG
Giá quá cao làm hỏng nhiều việc!
Đề cập khoảng thời gian thực hiện mô hình "3 tại chỗ", phải thường xuyên xét nghiệm để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở ĐBSCL nói giờ mới biết đến việc "thổi giá" bộ xét nghiệm và thấy "khủng khiếp".
Ông Võ Văn Phục (tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Sóc Trăng):
Nếu giá rẻ sẽ xét nghiệm được nhiều hơn
Công ty tôi có mua của Công ty Việt Á 5.280 bộ xét nghiệm với số tiền gần 2,2 tỉ đồng. Trong đó, tôi đã tặng CDC tỉnh Sóc Trăng 2.112 bộ. Tôi có đề nghị giảm giá nhưng họ nói 470.000 đồng là giá do Bộ Y tế quy định.
Sau khi biết Việt Á "thổi giá" cao hơn giá thị trường, tôi đã làm đơn đề nghị Bộ Công an yêu cầu Việt Á phải trả lại phần chênh lệch cho công ty. Tôi vẫn biết việc đòi lại được số tiền này sẽ gian nan, nhưng không bỏ cuộc. Tôi muốn đánh động đến trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ việc này.
Thay vì bán đúng giá, lời vừa phải, họ đã "thổi giá" trên trời. Chính việc "thổi giá" này không chỉ bóp chết doanh nghiệp mà còn cản trở, ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch. Nếu mua được bộ xét nghiệm giá rẻ, tần suất tầm soát sẽ dày hơn, nhiều công nhân được kiểm tra, sớm phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện mô hình "3 tại chỗ" do chi phí mua bộ xét nghiệm quá lớn - Ảnh: CHÂU PHẠM
Ông Đỗ Ngọc Tài (tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Kim Anh, Sóc Trăng):
Cần xử lý nghiêm
Thời điểm dịch bệnh dầu sôi lửa bỏng, đòi hỏi phải xét nghiệm cho công nhân nên nhu cầu mua bộ xét nghiệm rất lớn. Trong khi đó, số doanh nghiệp được cấp phép cung cấp đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, doanh nghiệp của tôi cũng là "khách hàng" của Việt Á. Không kể mua tặng các huyện, thị xã và máy móc thiết bị khác, chỉ riêng chi phí kit xét nghiệm, mỗi tháng công ty của tôi tốn không dưới 800 triệu đồng, ròng rã từ tháng 7-2021 đến nay.
Thú thật mà nói, khi thực hiện mô hình "3 tại chỗ" chúng tôi chỉ nhằm duy trì sản xuất chứ không đạt công suất và hiệu quả. Đau lòng hơn là trong lúc người dân, doanh nghiệp khó khăn lại có người trục lợi.
Họ cần phải được xử lý nghiêm. Giờ tôi giá như bộ xét nghiệm không bị "thổi giá", có thể công ty tôi đã có thêm một khoản tiền lớn để ủng hộ chung tay phòng chống dịch. Có nhiều doanh nghiệp phải buộc bụng mua bộ xét nghiệm giá cao, vô tình đánh mất cơ hội cho nhiều người khác được thụ hưởng, thật đáng tiếc.
Ông Đỗ Lập Nghiệp (phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt):
Tiền xét nghiệm gần 5 tỉ đồng/tháng
Để duy trì sản xuất cá tra xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã tổ chức mô hình sản xuất "3 tại chỗ" với gần 3.000 công nhân. Lúc bấy giờ, tiền xét nghiệm gần 5 tỉ đồng/tháng.
Trong phương án sản xuất "3 tại chỗ" của chúng tôi có kế hoạch xét nghiệm rõ ràng đối với người nguy cơ cao 3 ngày/lần, người nguy cơ thấp mỗi tuần/lần. Đặc biệt, khi có công nhân mới vào hoặc công nhân về nhà rồi quay lại công ty thì bắt buộc phải xét nghiệm PCR.
K.TÂM - B.ĐẤU ghi
Bộ Y tế nói gì?
Sau 3 ngày tính từ khi tổng giám đốc Công ty Việt Á bị bắt để điều tra vụ nâng giá bộ xét nghiệm, chiều tối 21-12, Bộ Y tế đã phát đi một thông báo thông tin về một số vấn đề.
Sau khi thông báo này phát đi, có nhiều ý kiến phản hồi cho rằng Bộ Y tế không thể vô can. Tuổi Trẻ đã gửi nhiều câu hỏi đến Bộ Y tế và đang đợi Bộ Y tế trả lời như vì sao có mức giá 470.000 đồng/bộ xét nghiệm, số lượng đã sử dụng thời gian qua và chất lượng thực tế của sản phẩm Việt Á. Dưới đây là một số nội dung từ thông báo của Bộ Y tế.
Việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.
Thông báo của Bộ Y tế
"Cấp phép đúng quy trình"
"Theo các quy định hiện hành, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời 2 bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit - PV) trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4-3-2020. Việc cấp phép này đã đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới" - Bộ Y tế cho biết.
Đến ngày 4-12-2020, Bộ Y tế đã có quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Đồng thời, cấp phép lưu hành cho sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại One-Step RT-PCR COVID-19 Kit Thai Duong Multiplex-3 target genes Version 1.0, của Công ty cổ phần Sao Thái Dương.
Người dân xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà bằng bộ xét nghiệm tự mua - Ảnh: HOÀNG AN
Giá sinh phẩm xét nghiệm phải thông qua đấu thầu
Bộ Y tế cho rằng theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá.
Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.
Hiện trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật giá), trên 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá và 93.253 kết quả trúng thầu.
Cùng thời điểm Việt Á niêm yết giá trên cổng 470.000 đồng/sản phẩm, Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm, xét nghiệm LAMP 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm. Có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 - 600.000 đồng/sản phẩm.
"Giá này công khai để các địa phương, cơ sở y tế tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng chống dịch mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện" - Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế cấp phép độc lập với WHO
Về việc bộ xét nghiệm Việt Á không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận nhưng Bộ Khoa học và công nghệ loan tin là WHO đã phê duyệt, Bộ Y tế cho rằng danh mục sinh phẩm WHO công bố, đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), các công ty mong muốn sản phẩm của mình được đưa vào danh sách của WHO thì nộp hồ sơ đề nghị WHO xem xét.
Tuy nhiên, các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó và dẫn ra tính đến nay, sinh phẩm xét nghiệm PCR, theo danh sách EUL của WHO có 23 sản phẩm được phê duyệt; trong khi châu Âu đã chấp thuận 589 loại sinh phẩm, Mỹ có 276 loại sinh phẩm, Hàn Quốc có 31 sinh phẩm...
TTO - Đó là ý kiến mà cử tri Đặng Minh Hoàng (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND TP.HCM khóa X chiều 21-12.