Số tiền mặt quyên góp từ người gửi bí ẩn - Ảnh chụp màn hình New York Times
Chiếc thùng đã ở kho văn thư của trường suốt từ năm ngoái và có lẽ sẽ không ai phát hiện ra có gì bên trong nếu giáo sư Menon không trở lại trường để dạy học trực tiếp trong học kỳ này.
Một lá thư kèm bên trong thùng giải thích rằng số tiền này là một khoản quyên góp nhằm giúp đỡ các sinh viên vật lý và toán học có hoàn cảnh khó khăn tại City College of New York.
"Giả sử rằng thầy/cô hơi tò mò tại sao tôi lại làm điều này, thì lý do rất đơn giản", nhà tài trợ ẩn danh viết và giải thích nhờ vào môi trường giáo dục tại trường, bản thân đã có một sự nghiệp khoa học đạt nhiều thành tựu.
Bưu kiện ghi tên người nhận lại là Kyle Paisley, một cái tên hoàn toàn xa lạ và không có trong danh sách các học viên cũ của trường.
Cũng đáng chú ý là khoản quyên góp được dành cho khoa vật lý, một khoa đã có một lịch sử lâu đời và nổi bật, theo báo New York Times ngày 21-12.
Vào năm 1921, Albert Einstein đã có một trong những bài giảng đầu tiên ở Mỹ tại khoa này và 3 trong số các cựu sinh viên đã đoạt giải Nobel Vật lý kể từ đó.
Đối với giáo sư Menon, khoản quyên góp bí ẩn kia thực sự truyền cảm hứng bởi nó cho thấy sức mạnh của khoa học vật lý đối với con người theo cách cụ thể và thiết thực nhất.
Với City College, 180.000 USD đủ để phát 2 suất học bổng toàn phần/năm trong 10 năm nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tiền quyên góp của trường. Chỉ tính riêng năm nay, các nhà tài trợ đã tặng hơn 17 triệu USD cho trường.
Lo lắng về động cơ thực sự của nhà tài trợ, số tiền gửi cho khoa vật lý đã bị đóng băng như "bằng chứng". Nhà trường sau đó liên hệ với chính quyền vì không biết liệu 180.000 USD này có phải là tiền phi pháp hay không.
Các đặc vụ liên bang Mỹ nhanh chóng vào cuộc và tìm được nơi rút tiền là bang Maryland trong vài năm trở lại đây. Số tiền được xác định là "sạch" nhưng không thể tìm thấy người gửi thực sự.
Phía bưu điện cũng không tìm thấy video người gửi bưu kiện và sau hơn 1 tháng điều tra, họ phải thừa nhận không thể "truy" được chủ nhân thực sự của chiếc thùng.
Ban quản trị trường cuối cùng tổ chức một cuộc họp hôm 13-12 và quyết định chấp nhận số tiền quyên góp từ nhà tài trợ bí ẩn. Đây dường như là lần đầu tiên trong lịch sử của trường một khoản quyên góp được gửi đến và đựng trong thùng giấy.
"Chúng ta phải đúc đồng chiếc hộp đó và đặt nó trong tủ trưng bày như một món quà hào phóng nhất cho trường", một thành viên trong ban quản trị hào hứng đề xuất.
Giáo sư Menon, người đứng đầu khoa Vật lý của trường City College of New York - Ảnh chụp màn hình New York Times
Đối với giáo sư Menon, người di cư từ Ấn Độ đến Mỹ năm 1996, số tiền quyên góp sẽ giúp đỡ được nhiều sinh viên.
Mặc dù được đề nghị giảng dạy tại các trường ưu tú, giáo sư Menon nói ông vẫn ở lại trường City College vì nơi đây cam kết cung cấp một nền giáo dục giá cả phải chăng cho sinh viên, nhiều người trong số họ là người nhập cư.
City College of New York là một trường đại học công lập nổi tiếng đặt tại thành phố New York. Trường thành lập năm 1847 và đang nằm trong hệ thống City University of New York.
Nhiều sinh viên của giáo sư Menon đến từ những gia đình chưa bao giờ học đại học và nhiều người chưa bao giờ ở trong phòng thí nghiệm.
"Tác động của việc giảng dạy ở đây cao hơn nhiều" ông Menon nói. "Đó là nơi bạn có thể nâng tầm ai đó", vị giáo sư 49 tuổi chia sẻ.
TTO - Nữ hoàng Elizabeth II, Thủ tướng Boris Johnson và thậm chí cả Nhà Trắng cùng nhiều người dân bình thường của nước Anh đã thể hiện sự đau buồn, rơi lệ trước sự ra đi của “Đại úy Tom Moore”, người quyên góp được hơn 30 triệu bảng để chống dịch.