"Santa Claus Rally"
Mở đầu số đầu tiên của chương trình Bí mật đồng tiền với chủ đề "Noel – No End", ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) đã có những nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán trong thời điểm cuối năm.
Theo ông Hưng, tại Mỹ có một khái niệm là "Santa Claus Rally" (tạm dịch là một đợt tăng giá vào cuối năm), nó thường diễn ra vào 5 ngày giao dịch cuối của năm đó và 2 ngày đầu năm sau. Trong khoảng thời gian này thị trường thường tăng khá là tốt, như ở thị trường Mỹ xác xuất tăng khoảng 3/4.
"Mọi người thường coi đây là món quà Noel của thị trường. Nếu ai nhìn thị trường Mỹ ngày hôm qua sẽ thấy Santa Claus Rally đã bắt đầu với mức tăng hơn 500 điểm", ông Hưng cho biết.
Còn ở thị trường Việt Nam, mọi chuyện lại khá khác khi mọi người mong chờ một món quà tặng ở đâu đó. Giống như việc tưởng tượng ra việc các quỹ đầu tư lớn sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh vào ngày nào đó, ví dụ như ngày 31/12 và chúng ta sẽ có một "món quà".
Ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI
Nói thêm về xu hướng thị trường dịp cuối năm, Phó Giám đốc SSI Research cũng nhắc đến một khái niệm khác là "Window-Dressing" (trang chí cửa sổ). Theo đó, nhiều nhà đầu tư có xu hướng vào cuối năm sẽ bán đi cổ phiếu kém và mua thêm những cổ phiếu tăng trong năm. Để khi mọi người nhìn vào danh mục thì không thấy những cổ phiếu giảm, qua đó có cảm giác danh mục đó khá là đẹp.
"Nó giống như việc trang trí cửa sổ nhà mình vào dịp cuối năm. Tâm lý khoe lãi là tâm lý chung của mọi người, chứ không phải riêng nhà đầu tư cá nhân", ông Hưng chia sẻ.
Phó Giám đốc SSI Research nhấn mạnh trong đầu tư việc chiến thắng chính bản thân mình mới là cái khó và quan trọng nhất. Đầu tư mà lúc nào cũng nhìn tài khoản người khác, sau đó cố làm sao đạt được mức lợi nhuận như nhà "ông hàng xóm" là rất khó.
Khi đầu tư chứng khoán thì đừng nhìn vào tài khoản của "ông hàng xóm"
Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng
"Giới trẻ thường có câu "nếu không tử tế xin đừng đẹp trai". Ví dụ có một cổ phiếu xấu nào đó (không tử tế) mà đồ thị của nó xấu (không đẹp trai) thì rất dễ cho việc ra quyết định. Nhưng khi cổ phiếu đó lại có một mô hình giá đẹp, việc ra quyết định thuộc về chiến lược cũng như quan điểm của nhà đầu tư", ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ.
Và nếu khi chọn cổ phiếu "không tử tế nhưng mà đẹp trai" thì đấy là quyền của bạn. Và bạn phải chấp nhận những rủi ro đi kèm với việc "không tử tế" đó.
Đầu cơ như ngồi trên "ghế điện"
Đề cập sâu hơn đến chiến lược đầu tư đó là nên đầu tư dài hạn hay đầu cơ (đầu tư chạy theo dòng tiền)?
Trả lời câu hỏi này, khách mời - nhà đầu tư Trần Tiến Dũng cho biết nếu có người nào xin lời khuyên đầu tư, ông sẽ hỏi muốn đầu cơ hay đầu tư?
"Nếu họ trả lời là đầu cơ, tôi sẽ bảo rằng đây không phải là việc của tôi. Đây là việc của môi giới. Môi giới hưởng phí hoa hồng từ dịch vụ các nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản. Nhà đầu tư trả tiền, môi giới sẽ hướng dẫn họ vào những cổ phiếu nào đang nóng sốt", ông Dũng nói.
Khi đầu cơ, bạn không khác gì ngồi trên "ghế điện"
Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng
Ông Dũng nhấn mạnh, để đầu cơ phải rất giỏi về phân tích kỹ thuật, chứ nếu dựa vào môi giới thì sẽ "trắng tiền" ngay. Nhà đầu tư cần phải tự tin vào khả năng kinh nghiệm cũng như độ nhanh nhạy của bản thân.
"Đầu cơ là một lĩnh vực tuyệt đỉnh của thị trường chứng khoán. Nếu thị trường không có yếu tố đầu cơ thì không gọi gì là thị trường chứng khoán. Điều quan trọng là chúng ta dùng bao nhiêu tiền để đầu cơ. Tôi đi theo thị trường 21 năm, thì 80% là đầu tư còn 20% là đầu cơ. Nhưng có những thời điểm đầu cơ nhiều hơn.
Khi đầu cơ, bạn không khác gì ngồi trên ghế điện. Chỉ có những nhà đầu cơ mới có cảm nhận được điều này", nhà đầu tư Trần Tiến Dũng nêu quan điểm.
Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng cho rằng khi đầu cơ không khác gì ngồi trên "ghế điện"
Chia sẻ thêm về quan điểm đầu cơ hay đầu tư, Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho rằng điều quan trọng là nhà đầu tư cần biết mình đang làm gì, đầu cơ hay đầu tư?
"Cần tránh trường hợp không biết làm gì để đến lúc đầu cơ bị kẹt lại quay sang đầu tư. Việc lẫn lộn giữa đầu cơ và đầu tư khiến xác suất thua lỗ là rất cao, nếu có lãi từ hoạt động đấy chủ yếu do may mắn", ông Hưng cho biết.
Cách lựa chọn mã cổ phiếu
Đi vào chi tiết hơn cho việc quyết định mua mã chứng khoán nào đó, ông Trần Tiến Dũng cho rằng điều quan trọng là cần tìm hiểu doanh nghiệp đó hoạt động về lĩnh vực gì, kết quả hoạt động kinh doanh trong quá khứ, hiện tại, kế hoach tương lai thế nào? Ngoài ra cũng cần xem xét doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh không, có ban lãnh đạo tốt không…
"Với nhà đầu tư cá nhân chúng ta nên chỉ mua khoảng 5 mã là cao nhất. Sau đó cứ mua bán trong 5 mã đấy. Bên cạnh đó chúng ta bám sát môi giới, tìm những mã doanh nghiệp tốt.
Đã tham gia thị trường thì phải chấp nhận lên xuống, điều quan trọng là bám sát nó. Cái quan trọng là mỗi thời điểm chúng ta phân bổ tài sản của mình như thế nào ở trên thị trường", ông Dũng cho biết.
Theo Phó Giám đốc SSI Research, sẽ không còn chuyện các cổ phiếu "nắm tay nhau đi lên" trong năm 2022
Trong khi đó, Phó Giám đốc SSI Research cho rằng nhà đầu tư nên tìm một nhóm bạn khoảng 5,7 người cùng có niềm đam mê chứng khoán và có lợi thế khác nhau trong hoạt động nghiên cứu đầu tư. Điều này có thể giúp nhà đầu tư có những quyết định tốt.
Năm 2022, việc các cổ phiếu "nắm tay đi lên" sẽ không còn xảy ra
Phó Giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng
Đánh giá về triển vọng của thị trường trong năm 2022, Phó Giám đốc SSI Research cho rằng nhìn ở góc độ vĩ mô, năm như 2020 và 2021 thì chính sách tiền tệ nới lỏng, hiểm nôm na là "tiền rẻ" rất nhiều, do đó mua cái gì cũng lên. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà là xu hướng trên cả thế giới.
Tuy nhiên năm 2022, xu hướng sẽ là thắt chặt tiền tệ, do đó việc các cổ phiếu "nắm tay nhau đi lên" sẽ không còn xảy ra, nó sẽ chọn lọc hơn. Ví dụ như trong ngành công nghệ, các nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn cổ phiếu có doanh thu thật, lợi nhuận thật. Do đó, việc đầu tư sẽ chọn lọc hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!