Ngày 22-12, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội được tổ chức vào ngày 25 và 26-12 tại Hà Nội với sự tham dự của 458 đại biểu từ 63 Đoàn Luật sư cả nước và các cơ quan Trung ương.
Được biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại Đại hội.
Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: Điều lệ LĐLSVN quy định Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng Luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ năm năm một lần. Đại hội lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 4-2015. Nếu điều lệ được thực thi nghiêm thì Đại hội lần 3 phải diễn ra từ tháng 4-2020 mới đúng.
Chủ tịch LĐLSVN Đỗ Ngọc Thịnh giải thích: việc chậm tổ chức Đại hội có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan thì nguyên nhân là do hai Đoàn luật sư TP HCM và Hà Nội chậm tổ chức đại hội.
“Đoàn Luật sư TP HN tổ chức Đại hội chậm so với Điều lệ là 2 năm 5 tháng, Đoàn Luật sư TP HCM tổ chức đại hội chậm 1 năm. Hai yếu tố chủ quan này cộng với COVID-19 làm cho việc tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 3 chậm thêm”, ông Thịnh cho hay.
Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến cho Đại hội lần này có thể tính chuyện sửa đổi Điều lệ. Ông Thịnh cho hay sửa đổi điều lệ LĐLSVN theo hướng nếu một Đoàn Luật sư chậm tổ chức Đại hội 6 tháng thì Ban Thường vụ LĐLSVN báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.
“Không thể để chậm tổ chức Đại hội như xưa nay nữa. Việc Đoàn Luật sư Hà Nội và TP.HCM chậm tổ chức chúng tôi báo cáo thường xuyên. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư được bầu ra để thực hiện chế độ tự quản của luật sư. Ban Chủ nhiệm không có khả năng tổ chức Đại hội thì phải giải tán Ban Chủ nhiệm”, ông Thịnh nói.
Đối với LĐLSVN cũng vậy, ông Thịnh cho hay, nếu chậm tổ chức Đại hội 6 tháng thì Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban thường vụ LĐLSVN cũng bị “xử lý” như thế.
Chủ tịch LĐLSVN Đỗ Ngọc Thịnh thông tin tới báo chí về Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 3. Ông Thịnh cũng là nhân sự duy nhất LĐLSVN giới thiệu để Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đại hội lần này ngoài thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015 - 2021) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2021- 2026), thông qua báo cáo công tác tài chính, dự thảo điều lệ, Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiến hành bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ 2021- 2026.
Ông Thịnh thông tin công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trải qua 5 bước, rất dân chủ và đúng điều lệ. Bộ Tư pháp đã đồng ý với danh sách nhân sự do LĐLSVN, Hội đồng Luật sư toàn quốc trình.
"Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh được Hội đồng Luật sư toàn quốc đồng ý giới thiệu ứng cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2021-2026"- ông Thịnh nói.
Ngoài ra, 6 luật sư khác gồm luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư Nguyễn Hải Nam, luật sư Nguyễn Thế Phong, luật sư Đào Ngọc Chuyền được giới thiệu ứng cử Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III để đại hội bầu vào Ban Thường trực LĐLSVN.
"Còn đại hội bầu không thì phải đợi"- ông Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Vẫn theo ông Thịnh, LĐLSVN chỉ giới thiệu một người để bầu làm Chủ tịch nhưng Đề án nhân sự của LĐLSVN cho phép có thể giới thiệu thêm một người nữa.
"Ra đại hội mọi người có quyền tự ứng cử và nhận đề cử, chứ không phải hạn chế quyền đó. Nếu ra đại hội, không ai tự ứng cử, đề cử thì phải giới thiệu một người, bầu một người thôi. Điều lệ quy định như thế nào thì phải làm đúng như vậy", ông Thịnh nói.