Ngày 22-12, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt tại Vương quốc Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký hợp tác giữa Công ty Viễn thông Metfone và Ngân hàng Quân đội (MB) chi nhánh Campuchia - Ảnh: Thế Dũng
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam tại Campuchia, ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết trong gần 2 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 vô cùng khắc nghiệt song các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt tại Campuchia đã vượt qua rất nhiều khó khăn, giữ vững ổn định và tiếp tục phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp đã quan tâm, chia sẻ những khó khăn của bà con Việt kiều và người nghèo Campuchia; hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng để xây dựng khu tái định cư cho bà con Việt kiều và người nghèo Campuchia phải di dời từ Biển Hồ lên đất liền.
Các doanh nghiệp cũng ủng hộ tiền để Chính phủ, Hội chữ thập đỏ Campuchia phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, VBCC đã phối hợp cùng Đại sứ quán đẩy mạnh chương trình tạo hàng ngàn việc làm và tăng thu nhập cho bà con Việt kiều và người nghèo Campuchia ở các dự án nông nghiệp, giúp Chính phủ Campuchia giảm bớt đói nghèo ở các vùng nông thôn xa xôi. Tiêu biểu là các Công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO) thuộc Công ty CP ôtô Trường Hải (THACO) hay dự án mía đường của Tập đoàn Thành Công.
Ông Nguyễn Thanh Dũng
Ngoài ra các Công ty Viễn thông như Metfone, Opennet, Mekongnet cũng đã hỗ trợ, kết nối tốt internet, Wifi hỗ trợ Chính phủ, các Bộ ngành Campuchia trong chỉ đạo điều hành, học trực tuyến và hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối hoạt động kinh doanh thông suốt.
Trong giai đoạn khó khăn nhất, 5 ngân hàng thương mại của Việt Nam hoạt động tại Campuchia như BIDC; Agribank; MB, SHB và Sacombank đã chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất, giúp các doanh nghiệp tiếp tục ổn định, phát triển...
Tuy nhiên, để hỗ trợ khó khăn, vướng mắt cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Dũng kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, có chính sách ưu đãi, đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là đối với các ngành, dự án có ý nghĩa trong quan hệ hai nước.
Tổng Giám đốc Công ty Viettel Cambodia (Metfone) Phùng Văn Cường báo cáo sau 15 năm đầu tư tại Campuchia, công ty đã có 3.000 cán bộ, nhân viên cùng 30.000 lao động gián tiếp hợp tác kinh doanh cùng Metfone. Hiện nay Metfone đã trở thành công ty viễn thông công nghệ số lớn nhất Campuchia, với 9 triệu khách hàng (chiếm 60% dân số) 50% thị phần; phủ sóng tới 95% lãnh thổ Campuchia, có mạng lưới rộng nhất, đồng thời là doanh nghiệp tiên phong thực hiện mục tiêu kiến tạo xã hội số cho đất nước Campuchia. Metfone cũng là dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, thành công nhất của Tập đoàn Viettel trong công cuộc đầu tư ra nước ngoài.
"Hiện Meffone được định giá hơn 1 tỉ USD và đóng góp ngân sách cho chính phủ Campuchia số tiền 820 triệu USD và là 1 trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất nước. Cùng với tài trợ và đóng góp các hoạt động xã hội lũy kế thực hiện đạt 100 triệu USD"- ông Cường tự hào.
Ông Trần Bá Dương phát biểu tại buổi gặp mặt
Có mặt tại thủ đô Phnom Penh để nhận giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho biết từ năm 2018, THACO hợp tác đầu tư với Công ty HAGL Agrico (HNG) để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, Campuchia và Lào theo hướng hữu cơ, quy mô lớn.
Hiện THAGRICO đã mua lại và sở hữu 100% vốn các công ty con tại Vương quốc Campuchia với tổng diện tích đất gần 38.800 ha, bao gồm 11.000 ha tại tỉnh Kratie và 27.800 ha tại tỉnh Rattarakiri, với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 388 triệu USD.
Theo ông Trần Bá Dương, sản lượng thu hoạch và xuất khẩu trái cây năm 2021 ước đạt 250 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu đạt 151 triệu USD, đảm bảo việc làm cho hơn 15.900 lao động trong đó có hơn 14.400 người Campuchia, cùng với 1.400 người Việt Nam và Philippines là các chuyên gia, kỹ thuật nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp và đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Đại diện THACO nhận giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trần Bá Dương mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp từ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trong việc hỗ trợ chương trình chuyển đổi nghề nghiệp cho người Khmer gốc Việt sinh sống lâu đời trên Biển Hồ và người Campuchia.
"Đại sứ quán sẽ là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành và Chính phủ tại Campuchia để doanh nghiệp chúng tôi có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia"- ông Dương bộc bạch, đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh có chung biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia, các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu hỗ trợ kịp thời trong công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi đầu tư của Việt Nam tại Campuchia ngày càng tốt hơn
Sau khi lắng nghe tâm sự, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi xu hướng đầu tư của Việt Nam tại Campuchia ngày càng tốt hơn.
"Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể hợp tác, mà còn đóng vai trò chủ động, khởi xướng, tạo động lực mới trong thương mại đầu tư, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với những đóng góp quan trọng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước dẫn lại "cam kết" với Thủ tướng Hun Sen đến năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Campuchia sẽ đạt 5 tỉ USD thì nay đã đạt gấp đôi, với gần 10 tỉ USD và Việt Nam là nước tiêu thụ lớn các sản phẩm nông sản của Campuchia để nói về bước phát triển vượt bậc giữa hai nước.
Đặc biệt là đầu tư tăng nhiều lần trong bối cảnh khó khăn là sự khích lệ lớn, không chỉ có ý nghĩa là mang lại lợi nhuận, tạo việc làm mà còn là tấm gương sáng về phát triển bền vững, góp phần tăng kim ngạch hai chiều, an sinh xã hội…
Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng chỉ ra việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia chủ yếu là quy mô nhỏ, còn hạn chế. Một số doanh nghiệp về nông nghiệp ngày càng hiểu thị trường, song còn nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, khó khăn, cần sự quan tâm giải quyết của các cấp ngành.
Giải đáp các đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen sớm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và doanh nghiệp Việt Nam…
Về chính sách, Chủ tịch nước đề nghị các Bộ ngành trong nước cần tập trung tháo gỡ về vấn đề lãi suất ngân hàng, tính toán giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay, đầu tư khu vực biên giới...
Về bảo hộ đầu tư, bảo hộ tài sản giữa hai nước còn nhiều vấn đề, Chủ tịch nước giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, soạn thảo để xây dựng chính sách làm sao rõ nét hơn, xứng tầm với vị trí và tiềm năng trong đầu tư.
Cùng với đó là cần đẩy mạnh về cơ chế hợp tác song phương giữa Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia, nhằm tháo gỡ các vấn đề giúp nhà đầu tư tăng hiệu quả cao hơn. Chủ tịch nước yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực cho đầu tư, nâng cao hiệu quả, làm ăn gương mẫu, uy tín, giữ gìn hình ảnh người Việt Nam, tạo không khí mới về đầu tư tại Campuchia.