Hà Nội - Ngoài xét xử cựu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Đô..., toà cũng triệu tập nhiều người để làm rõ trách nhiệm trong vụ cấp 429 bằng giả.
Hôm nay (23.12), TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 10 bị cáo về tội "Giả mạo trong công tác". Dự kiến phiên toà diễn ra trong 3 ngày.
Trong số đó có các cựu lãnh đạo Đại học Đông Đô gồm: Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên)...
Có 24 luật sư đăng ký bào chữa cho 10 bị cáo. Để chuẩn bị cho phiên xử, Tòa cũng đã triệu tập 30 người liên quan và 200 người làm chứng đến phiên tòa.
Chỉ chép lại bài cũng được nhận bằng
Theo cáo trạng, Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh.
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh các năm từ 2015-2017 và Đề án tuyển sinh năm 2017-2018, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, từ tháng 4.2017, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, hiện bỏ trốn) đã chỉ đạo Hoà, Oanh ký các thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh.
Bị can Hùng trực tiếp chỉ đạo Hoà ký ban hành Quy định mức thu học phí toàn khoá từ gần 30 - 35 triệu đồng/học viên. Đồng thời ban hành chương trình đào tạo văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ tiếng Anh với số lượng 71 tín chỉ, thời gian 2 năm.
Quá trình tuyển sinh, đào tạo, thấy nhiều người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi công chức, nâng ngạch, vì vụ lợi nên cuối năm 2017, đầu năm 2018, bị can Hùng tổ chức cuộc họp Ban giám hiệu, Phòng đào tạo, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0, Phòng tài vụ để quán triệt chủ trương làm và cấp văn bằng này cho họ không qua tuyển sinh, đào tạo.
Theo đó, Trần Khắc Hùng chỉ đạo Hoà, Oanh, Lê Ngọc Hà, Trần Ngọc Quang và nhiều nhân viên cấp dưới, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để tiếp nhận hồ sơ, làm giả các thủ tục, hợp thức các loại giấy tờ, bài thi, bảng điểm để cấp văn bằng 2 cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy không đúng quy định, nhằm thu lợi bất chính.
Để làm và cấp bằng giả, Trần Khắc Hùng giao cho Oanh và Hà tổ chức thực hiện.
Cụ thể, tại Viện Đào tạo liên tục, Oanh chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà chỉ hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho họ chép lại. Cá biệt có trường hợp không phải hợp thức hoá bài thi.
Sau khi học viên hoàn thiện bài thi, nhóm nhân viên này rọc phách, chuyển cho các giáo viên của trường chấm bài, tổng hợp kết quả, lập bảng điểm khoá học cho từng học viên.
Để có phôi in văn bằng giả, tháng 10.2018, Oanh chỉ đạo Trần Ngọc Quang hợp thức hoá bằng cách làm các văn bản để Hoà ký gồm: Quyết định công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 năm 2015 có 468 thí sinh; Công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị mua phôi bằng để in bằng cử nhân này.
Theo đó, từ tháng 4.2018 - 3.2019, Đại học Đông Đô đã cấp 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả, thu tổng số hơn 7,1 tỉ đồng.
Tháng 4.2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Đại học Đông Đô giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh. Để che giấu hành vi phạm tội, Hoà đã ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo.
Trần Khắc Hùng và Trần Kim Oanh chỉ đạo cấp dưới dùng các tờ giấy A4 đã đóng dấu “Trường Đại học Dân lập Đông Đô” làm quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 năm 2015 kèm danh sách số học viên trúng tuyển; quyết định về việc công nhận trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2016 kèm danh sách số người trúng tuyển gửi qua thư điện tử cho bà Phạm Thị Hoa - Cán bộ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an xác định, con dấu này đã bị huỷ ngày 27.6.2017 khi Đại học Đông Đô làm thủ tục thay đổi con dấu thành “Trường Đại học Đông Đô”. Con dấu trong các quyết định trên được Oanh chỉ đạo văn thư đóng khống để sử dụng.
Dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, thi công chức...
Trong số 429 trường hợp được cấp văn bằng giả và 2 trường hợp được cấp giấy chứng nhận giả, cơ quan điều tra thu giữ 130 văn bằng giả, 110 photo văn bằng giả, 54 trường hợp đã làm mất hoặc tự tiêu huỷ; còn 24 trường hợp chưa nhận bằng; cùng 96 bảng điểm khoá học bị thu giữ.
Ngoài ra, trong số các trường hợp được cấp văn bằng giả và giấy chứng nhận giả, cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô thu tiền 347 trường hợp, với số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.
Về việc sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận giả, trong số 210 trường hợp có 76 người đã sử dụng, trong đó có 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, 9 trường hợp sử dụng vào mục đích khác (2 người dùng để học thạc sĩ; 4 người kê khai hồ sơ công chức, 3 người dùng kê khai hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, thăng hạng viên chức).
Đối với số người sử dụng làm nghiên cứu sinh, cơ quan chủ quản đã miễn nhiệm chức vụ 2 người; cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm 14 người… 43 người chưa có thông báo kết quả xử lý.
Các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã huỷ kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu 31 trường hợp, 24 trường hợp tự nghỉ học xin rút hồ sơ…
Số còn lại gồm 221 trường hợp, cơ quan điều tra không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Kiến nghị xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân
Mặc dù Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai, nhưng từ năm 2015-2017, Vụ Kế hoạch tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho trường;
Vụ Giáo dục đại học xét duyệt, đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ đề án tuyển sinh năm 2017-2018-2019, có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy;
Năm 2018, Đoàn Kiểm tra số 1 của Bộ này đã kiểm tra nhưng không phát hiện được Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
"Các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra", cáo trạng nêu.
Mặt khác, quyết định số 22 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp văn bằng đại học thứ hai được ban hành từ năm 2001, sau đó nhiều quy định của pháp luật được ban hành gồm Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật đầu tư năm 2014.
Song Bộ này chưa kịp thời thể chế để quản lý hoạt động tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo; chưa kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Đại học Đông Đô theo đúng quy định.
Xem thêm: odl.894789-aot-uah-yan-moh-od-gnod-coh-iad-oad-hnal-uuc-ueihn-aig-gnab-924-pac/taul-pahp/nv.gnodoal