Vụ việc của Công ty Việt Á rất nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm minh
Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Tổng Giám đốc công ty này - Phan Quốc Việt đang trở thành một trong những từ khóa nóng nhất trong mấy ngày trở lại đây.
Trong suốt 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội và rất nhiều nguồn lực đều được dồn vào công tác phòng chống dịch. Vì thế những hành vi trục lợi sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và gây bức xúc trong nhân dân.
Kết quả điều tra của cơ quan công an bước đầu cho thấy, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Đối tượng Phan Quốc Việt
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến gần 30 tỉ đồng. Được biết nhiều địa phương trong cả nước cũng mua kit xét nghiệm của Công ty này.
Nhìn nhận vụ việc này, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị, Công trình - Bộ Y tế nhấn mạnh trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Đây là vụ việc rất nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính công bằng, khách quan trong thị trường trang thiết bị nói chung và sinh phẩm, xét nghiệm phục vụ cho công tác phòng chống dịch như hiện nay".
Về căn cứ để Bộ Y tế phê duyệt kit test của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Minh Lợi cho biết, Bộ Y tế căn cứ vào các hồ sơ của công ty căn cứ vào kết quả đánh giá độ nhạy độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các quy định hiện hành gồm Nghị định 36 và Nghị định 169 của Chính phủ. Bộ Y tế cũng đảm bảo tính thận trọng trong bối cảnh tại thời điểm đó sinh phẩm, xét nghiệm rất khan hiếm trên thế giới và Việt Nam. Công ty Việt Á là đơn vị trong nước đầu tiên cấp phép và Bộ Y tế đã cấp phép đợt đầu sáu tháng.
Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á
Sau đó tổ chức đánh giá kết quả và có sự tham gia của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện kiểm nghiệm vaccine, sinh phẩm y tế. Đến tháng 12/2020, Bộ Y tế mới cấp phép dài hạn.
Về quy trình cấp phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của Bộ Y tế, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị, Công trình cho biết, đây là 2 quy trình độc lập không có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau. Căn cứ vào nhu cầu của từng bên sẽ xem xét để cấp phép theo đúng quy định của Việt Nam. Nếu Tổ chức Y tế Thế giới có nhu cầu xem xét thì cũng căn cứ theo quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới.
Lựa chọn và giá thành xét nghiệm thuộc thẩm quyền của các đơn vị, địa phương
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được coi là đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng bộ kit xét nghiệm COVID-19 lớn nhất cả nước với quy mô cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 bộ kit/ngày.
Thế nhưng bên trong xưởng sản xuất bộ kit xét nghiệm của công ty này là căn phòng rộng chừng hơn 10m2 dành cho các kỹ thuật viên làm công tác pha chế, phối trộn các sinh phẩm để tạo ra bộ Kit xét nghiệm PCR.
Hệ thống thiết bị, máy móc tại xưởng sản xuất bộ Kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ kỹ.
Trong phần tự giới thiệu, Công ty cổ phần Việt Á là đơn vị tư nhân chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực này. Với tệp khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn, có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng cùng hàng ngàn nhân viên. Tuy nhiên trên thực tế phòng sản xuất chỉ có 10 người. Còn hầu hết là nhân viên kế toán, bán hàng và tiếp thị vùng với khoảng hơn 100 người. Còn hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ kỹ.
Theo tài liệu thu thập được, trước khi cung cấp bộ Kit xét nghiệm COVID-19 cho các bệnh viện và trung tâm, Việt Á là đơn vị trúng thầu tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Hiện Việt Á có 3.000 khách hàng, thực hiện 1.500 dự án vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trước thông tin Bộ Y tế đã giới thiệu cho các địa phương về bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị, Công trình - Bộ Y tế nhấn mạnh: "Theo quy trình cấp phép, để đảm bảo công khai minh bạch, tất cả các sản phẩm đã được cấp phép đều đang công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Đối với sinh phẩm xét nghiệm, đã công bố 146 sản phẩm được cấp phép, trong đó có 46 sản phẩm xét nghiệm PCR tương tự công ty Việt Á, có 7 sản phẩm trong nước và 39 sản phẩm nước ngoài. Lựa chọn và giá thành thuộc thẩm quyền của các đơn vị địa phương thực hiện các quy trình mua sắm đấu thầu theo đúng quy định. Bộ Y tế không can thiệp cụ thể nào đối với từng đơn vị hay từng địa phương nào".
Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết thêm, giá kit test khi đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu. Đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đáp ứng được hồ sơ thầu sẽ trúng thầu. Các đơn vị, địa phương cũng có thể tham khảo giá công khai trên bảng niêm yết giá của Bộ Y tế.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị, Công trình - Bộ Y tế cũng khẳng định, quy trình cấp phép trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế trong thời gian vừa qua đảm bảo thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo, tăng cường công khai minh bạch, Bộ Y tế đã trình Chính phủ và Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá và công khai giá. Đồng thời, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ra Nghị quyết đưa mặt hàng trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch vào mặt hàng bình ổn giá, đảm bảo vai trò kiểm soát của nhà nước.
Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tăng cường, hoàn thiện thể chế, phân cấp công khai, minh bạch, gắn liền với kiểm tra, giám sát để đảm bảo thị trường về trang thiết bị y tế cũng như sinh phẩm y tế ngày càng minh bạch và rõ ràng hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn khẳng định "Đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết" nhưng cũng luôn đi kèm lời nhắc nhở không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống tham nhũng.
Trong gần như tất cả các cuộc làm việc liên quan công tác chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch quốc hội đều yêu cầu các đơn vị liên quan tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng, trục lợi và sẽ xử lý nghiêm dù đó là ai.
Vụ việc của công ty Việt Á được cơ quan an ninh triển khai rất khẩn trương, rất quyết liệt, nên có ý nghĩa răn đe và ngăn chặn các hành vi tương tự trong bối cảnh quá trình chống dịch của chúng ta còn dài và nhiều gian nan.
Theo Ban Thời sự
VTV