Tình nguyện viên Ngọc Châu, huấn luyện viên aerobic, tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị N.T.T. (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) - một F0 đang điều trị tại nhà - cho biết gia đình không được hướng dẫn phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0.
"Y tế phường đã xuống lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn điều trị nhưng không nhắc đến việc xử lý rác thải của gia đình như thế nào. Tôi vẫn để chung các loại rác thải, khăn giấy, khẩu trang và thực phẩm với nhau và đăng ký giờ đổ rác với ban quản lý tòa nhà. 12h trưa, tôi để tất cả rác dùng trong ngày ở trước cửa, sau đó ban quản lý sẽ cho người lên đưa rác xuống", chị T. nói.
Cũng đang là F0 điều trị tại nhà, anh N.T.D. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gia đình chưa được hướng dẫn xử lý rác thải hằng ngày. Anh D. chia sẻ gia đình đã cẩn thận để rác y tế vào túi riêng, buộc kín, để trước cửa để nhân viên thu gom rác đến lấy.
"Tuy nhiên, gia đình tôi không thể tiếp xúc với nhân viên thu gom rác nên không thể nhắc họ đâu là túi rác có rác thải y tế. Hy vọng nhân viên thu gom rác có thiết bị khử khuẩn hay đã được tập huấn về việc thu gom rác thải để tránh lây nhiễm", anh D. chia sẻ.
Anh Nguyễn Việt Phong (quận Hồ Tây, Hà Nội) cho biết 3 người trong gia đình đều nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà. Anh được y tế phường hướng dẫn chăm sóc, tuy nhiên về rác thải của gia đình cũng không có hướng dẫn cụ thể.
"Gia đình mình cũng không dùng đến khẩu trang, khăn giấy… rác thải chủ yếu là thực phẩm dư thừa hằng ngày nên mình chỉ để vào túi buộc kín và đưa ra cửa. Người ở tổ dân phố đến hỗ trợ lấy rác đưa ra khu tập kết rác của khu vực", anh Phong nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thành Hà - trưởng Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa - cho biết cán bộ y tế phường khi tiếp nhận F0 điều trị tại nhà đều hướng dẫn phân loại rác thải để tránh lây nhiễm. "Chúng tôi có nhắc người bệnh phải để rác thải y tế như khẩu trang, khăn lau, kit xét nghiệm nhanh… riêng và buộc kín. Sau đó, để ra thùng rác thải y tế được phường đặt ở trước cửa".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều gia đình F0 điều trị tại nhà trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa không có thùng rác y tế như cán bộ y tế đã nói. Đặc biệt ở nhiều khu tập thể, những túi rác của F0 vẫn được để trước cửa, không có thùng rác chuyên dụng.
Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà", ông Nguyễn Hữu Tiến - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho biết, do các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, nên công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ. Ngoài ra, còn khó khăn về cả lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, thiết bị bảo hộ cho nhân viên thu gom rác.
Ông kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên thu gom rác thải y tế lây nhiễm (F0 tại nhà) với phương tiện chuyên dụng riêng cho công tác này.
Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế đưa ra những lưu ý quan trọng khi xử lý đồ dùng, rác thải của F0 để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilông bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
Hằng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, thực hiện xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm được đặt trong phòng của người cách ly.
TTO - Trong 7 ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận ca mắc mới mỗi ngày trên 1.300, tổng cộng Hà Nội có 10.284 ca. Trong đó nhiều F0 đang điều trị tại nhà và được cán bộ y tế địa phương chăm sóc.
Xem thêm: mth.83495749032211202-ahn-iat-irt-ueid-0f-auc-iaht-car-mog-uht-nad-gnouh-gnort-al-ol/nv.ertiout