Chứng khoán Mỹ giữ vững đà tăng vũ bão, giá năng lượng và thực phẩm nhảy vọt kéo theo lạm phát leo thang, thị trường trái phiếu chao đảo còn Trung Quốc chứng kiến 1.000 tỷ USD bị xóa sổ khỏi cổ phiếu công nghệ và bất động sản.
Trên tất cả, bitcoin và tiền mã hóa có một năm điên cuồng, nhà đầu tư nhỏ lẻ dạy cho các quỹ đầu cơ một bài học, dầu khí thắng lớn với giá tăng hơn 40%.
1/Tất tay gom chứng khoán
Chỉ số theo dõi 50 thị trường chứng khoán quốc gia của MSCI có thêm 10.000 tỷ USD vốn hóa, tương đương 13%, nhờ vào các dấu hiệu phục hồi từ COVID-19 và cơn lũ tiền các ngân hàng trung ương tiếp tục đổ ra để kích thích kinh tế.
Nhưng cũng có một số sự khác biệt lớn. Chỉ số S&P 500 tăng 24% từ đầu năm đến nay nhưng 1/3 trong số đó đến từ vỏn vẹn 5 cổ phiếu: Microsoft, Nvidia, Apple, Tesla và Alphabet (công ty mẹ của Google).
Ngược lại, các thị trường chứng khoán mới nổi mất 7%. Nguyên nhân lớn là cú lao dốc 30% của cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong do chiến dịch siết chặt quản lý của Bắc Kinh.
Ông Tomy Garvey, thành viên của đội phân bổ danh mục của công ty quản lý tài sản GMO cho biết: "Chúng tôi nghĩ chứng khoán Mỹ thực sự điên rồ". Ông nói thêm rằng định giá tại hầu hết thị trường trên thế giới cũng đắt đỏ.
2/Bước nhảy ấn tượng của dầu khí
Dầu có màn trình diễn ngoạn mục khi các nền kinh tế lớn đói khát năng lượng cho quá trình quay trở lại bình thường. Mức tăng 40% và 50% lần lượt của dầu và khí tự nhiên là con số lớn nhất trong 5 năm trở lại, giá hai nhiên liệu này hiện cao hơn hẳn lúc trước đại dịch.
Kim loại thiết yếu cho công nghiệp – đồng – đạt đỉnh lịch sử vào tháng 4 và đã tăng gần 25% năm thứ hai liên tiếp. Kẽm cũng có thành tích tương tự. Nhôm ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ 2009 là 40%.
Vàng sụt giảm nhưng thị trường nông sản nở rộ với giá ngô bật tăng 25%, đường tiến 20% còn cà phê nhảy vọt 67%.
3/ Đổ máu trên thị trường Trung Quốc
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh lên các công ty công nghệ lớn cộng với khủng hoảng của thị trường bất động sản đã xóa sổ 1.000 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba bất lực nhìn giá cổ phiếu cắm đầu lao dốc gần 50%. Chỉ số NASDAQ Golden Dragon China dành cho công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ mất 40% với Evergrande trở thành công ty vỡ nợ lớn nhất trong số các thành viên của chỉ số này.
Khủng hoảng của Evergrande đã tạo ra cơn địa chấn lên thị trường trái phiếu "rác" của Trung Quốc, gây thiệt hại 30%.
Ông Sailesh Lad, trưởng bộ phận chứng khoán thu nhập cố định trên thị trường mới nổi của AXA Investment Manager cảnh báo: "Nếu doanh số bán nhà tiếp tục suy giảm với tốc độ như hiện nay thì GDP Trung Quốc rất có thể sẽ giảm thêm 1%".
4/Cơn điên cổ phiếu meme
Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã "chiếm lấy Phố Wall" một cách ấn tượng trong năm nay, thúc đẩy biến động giá khủng khiếp và khối lượng giao dịch khổng lồ trong các cổ phiếu meme.
GameStop vọt lên gần 2.500% trong tháng 1 nhưng sẽ chỉ kết năm 2021 với mức tăng 730%. AMC, một cổ phiếu meme được yêu thích khác, vẫn cao hơn 1.350% so với đầu năm nhưng đã có lúc tăng 3.200% hồi tháng 6.
Tesla, nhà sản xuất xe điện của người giàu nhất thế giới Elon Musk, hồi phục sau cú trượt dài đầu năm. Nhưng những quỹ đầu tư hay cổ phiếu khác gắn với đổi mới – như the ARK Innovation – và một số cổ phiếu năng lượng, công nghệ sinh học và SPAC – sụt giảm từ 20% đến 30%.
5/Lạm phát nóng
Sự tăng vọt của lạm phát trở thành nỗi lo lắng của nhà đầu tư năm 2021 khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thêm bội phần khó khăn.
Với lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ thập niên 1980, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tháng này phải tuyên bố sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu thời đại dịch sớm hơn dự kiến.
Anh trở thành nước có ngân hàng trung ương thuộc khối G7 đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Dự kiến các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ nối gót Anh vào năm sau, trong khi một số thị trường mới nổi lớn thì đã có bước tiến xa hơn nhiều.
6/Thị trường mới nổi chìm nghỉm
Bước vào năm 2021, nhà đầu tư đặt hy vọng lớn lao cho thị trường mới nổi nhưng thực tế diễn ra gần như trái ngược. Khó khăn của Trung Quốc và sự dai dẳng của COVID-19 đã khiến cổ phiếu thị trường mới nổi mất 7%, con số càng thê thảm khi so với bước nhảy 24% của Phố Wall.
Trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ của thị trường mới nổi cũng có một năm tồi tệ, mất mát 9,7%. Trái phiếu đồng USD khá khẩm hơn một chút, đặc biệt là ở các nước sản xuất dầu. Tuy nhiên, chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan, không bao gồm nhân dân tệ, suy sụp gần 10%.
Ông Jeff Grills, trưởng bộ phận nợ thị trường mới nổi của Aegon Asset Management nhận xét: "Trung Quốc là câu chuyện lớn của năm 2021". Theo ông thì năm sau mọi chuyện sẽ xoay quanh lãi suất tăng nhanh đến đâu và tăng trưởng có được duy trì không.
7/Chuyến tàu lượn thót tim của tiền mã hóa
Bitcoin leo lên gần 70.000 USD, "meme coin" đáng giá hàng tỷ USD, cuộc niêm yết đình đám trên Phố Wall của Coinbase và cuộc trấn áp toàn diện của Trung Quốc đã làm nên năm điên cuồng nhất từ trước đến nay đối với tiền mã hóa, dù thị trường này vốn đã rất bốc đồng.
Cú nhảy gần 70% của bitcoin có vẻ không mấy ấn tượng so với đà tăng 300% của năm ngoái. Nhưng phải công nhận rằng bitcoin đã tăng giá rất đáng nể dù giá đã sụt gần một nửa hồi tháng 5 vì lệnh cấm của Trung Quốc.
Dogecoin, đồng tiền được tạo ra năm 2013 như một trò đùa nhại bitcoin, bứt tốc 12.000% kể từ đầu năm đến mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5, để rồi lao dốc gần 80% đến giữa tháng 12.
NFT – các chuỗi code lưu trữ trên blockchain đại diện cho quyền sở hữu riêng biệt của nghệ thuật số, video hay tweet – cũng lan tỏa ra thị trường chính thống.
Một bức tranh ghép kỹ thuật số của nghệ sĩ người Mỹ Beeple được bán với giá gần 70 triệu USD tại Christie's vào tháng 5. Bức tranh này là một trong ba tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ còn sống từng được bán đấu giá.