Sáng 23-12, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”.
Chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết chuyển đổi số là xu thế không thể thay đổi, đặc biệt với lĩnh vực có tính chất đặc thù như báo chí.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM
"Chuyển đổi số làm thay đổi toàn diện, căn bản hoạt động của cơ quan báo chí, hoạt động và tầm ảnh hưởng của phóng viên” – ông Đức nói.
Theo ông Đức, chuyển đổi số không đơn giản là ứng dụng công nghệ vào các hoạt động mà còn đòi hỏi thay đổi cả quy trình làm việc, tư duy, suy nghĩ.
“Với khối lượng thông tin khổng lồ, nếu làm báo theo cách cũ sẽ không chạy theo kịp, nảy sinh vấn đề trong vận hành cơ quan báo chí. Xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ số thì không những tăng tốc độ xuất bản thông tin mà còn tăng khả năng tổng hợp, kiểm soát được đầy đủ hơn các nội dung cơ quan báo chí đưa ra” - ông Đức nói.
Ông Đức mong muốn các cơ quan báo chí, nhà báo thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm, bởi chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược và phải tích cực tham gia, tận dụng đầy đủ cơ hội, đừng để thành người đi sau, đi chậm.
Cần lập trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí
Phát biểu về bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết như nhiều tờ báo khác, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
“Rất nhiều sản phẩm báo chí của chúng tôi sau khi được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link” – ông Phước nói.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM
Thậm chí, có khi Báo Pháp Luật TP.HCM vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì 5 phút sau đã có những trang web lấy lại và đăng trái phép trên trang của họ để câu view.
“Chưa kể, trên mạng từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của Báo; giả danh là fanpage của báo” – ông Phước chia sẻ thêm.
Từ thực tiễn xử lý vấn đề này, ông Phước cho biết nguồn vi phạm đến từ một số trang tin điện tử không phải là đối tác chia sẻ thông tin của báo; một số tài khoản mạng xã hội facebook, youtube… có mục đích thu hút quảng cáo - kinh doanh. Cùng nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội lá cải “ẩn danh” 3 không (không rõ nguồn gốc, không rõ chủ quản, không có giấy phép hoạt động), thậm chí đặt trên máy chủ ở nước ngoài.
Hậu quả của nạn xâm phạm bản quyền báo chí là các tờ báo sẽ bị giảm sức hút đối với bạn đọc, giảm số lượng bạn đọc, giảm view, thậm chí có những trường hợp bị mất uy tín vì bị những trang web, tài khoản mạng xã hội cắt cúp sản phẩm rồi tổng hợp, xào nấu, chế biến lại dẫn đến sai lệch nội dung.
Để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM đưa ra năm giải pháp, trong đó ông đề xuất TP.HCM thí điểm thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Bởi ông cho rằng vấn đề bảo vệ bản quyền không chỉ là việc của một tờ báo mà là liên minh của tất cả các cơ quan báo chí.
Trung tâm này nên có sự tham gia chỉ đạo, điều hành của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, đại diện Hội Nhà báo các cấp, đại diện một số cơ quan báo chí...
Ngoài ra, ông Phước cũng đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định là chỉ cho phép các trang thông tin điện tử đăng lại nội dung báo chí nếu được các cơ quan báo chí đồng ý bằng văn bản, tức hai bên có ký thỏa thuận hợp tác với nhau.
Các đại biểu tham dự tọa đàm nêu ý kiến. Ảnh: TÁ LÂM
Những thách thức từ chuyển đổi số
Trình bày về chuyển đổi số tại tờ báo đơn vị mình, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết báo Tuổi Trẻ đã bắt đầu số hóa từ rất sớm.
Từ năm 2003, khi cho ra đời báo điện tử, Tuổi Trẻ cũng đồng thời xây dựng hệ thống tòa soạn điện tử. Tất cả phóng viên, trưởng ban, biên tập viên, thư ký tòa soạn đều có tài khoản. Toàn bộ tin bài, ảnh đều được soạn thảo, biên tập, duyệt trên tòa soạn điện tử...
Từ những năm 2010, Tuổi Trẻ đã bắt tay số hóa toàn bộ các bản báo in của mình. Đến nay, toàn bộ báo in từ số đầu tiên, ra ngày 2-9-1975 đến số mới nhất đều được lưu trữ số hóa và cung cấp trên hệ thống.
“Chỉ cần một vài cú click chuột, người cần tìm có thể tìm đúng bài báo, trang báo mình cần” – ông Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng chuyển đổi số không chỉ đơn giản là công việc số hóa, mà là cả một quá trình khai thác các dữ liệu có được từ chính quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ dữ liệu thông minh để phân tích, chuyển hóa các dữ liệu đó để tạo ra các giá trị mới hơn cho tờ báo.
Do vậy, ông Trung cho biết Tuổi Trẻ xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng trong đó gắn liền với qui trình chuyển đổi số của tờ báo; quyết liệt áp dụng công nghệ mới vào qui trình; miệt mài với quá trình tối ưu hóa trải nghiệm bạn đọc nội dung lẫn khách hàng quảng cáo. “Mới đây, ngày 14-7, Tuổi Trẻ ra mắt chuyên mục robot Hỏi - Đáp về dịch COVID-19. Chương trình này do người dẫn chương trình ảo cập nhật. Nội dung giải đáp những thắc mắc, đáp ứng nhu cầu thông tin về COVID-19” – ông Trung nói.
Ngoài ra, Tuổi Trẻ cũng triển khai nhiều hạng mục để gia tăng kết nối, giữ chân độc giả trung thành và thu hút khách hàng tiềm năng thông qua công nghệ.
Dù vậy, ông Trung cho rằng quá trình chuyển đổi số của Tuổi Trẻ vẫn chưa được như kỳ vọng, còn phải đối diện với nhiều thách thức phải tìm cách để giải quyết, cải thiện mỗi ngày như nguồn nhân lực, tài chính.
(PLO)- Sáng 23-12, Hội nhà báo TP.HCM cùng Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM tổ chức tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”.