Sáng 23-12, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay Cục đã đàm phán với nhà chức trách hàng không của các nước về kế hoạch mở đường bay quốc tế thường lệ theo tiến độ của Chính phủ, từ 1-1-2022.
Những hành khách đầu tiên trên đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ vào ngày 29-11 vừa qua
Đến nay, nhà chức trách hàng không Nhật Bản đã đồng thuận với kế hoạch bay của Việt Nam. Đồng thời, phía Mỹ cũng đã chấp thuận cho phép Vietnam Airlines mở đường bay thẳng thường lệ đến nước này. Cơ quan quản lý hàng không các nước/ vùng lãnh thổ khác chưa có ý kiến chính thức.
Để phân bổ lịch bay, nhà chức trách hàng không của cả hai bên phải thỏa thuận và thống nhất về lịch bay, hãng bay...
Trước đó, Chính phủ đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/ Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/ Los Angeles (Mỹ). Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022.
Theo ông Thắng, với đường bay đến Nhật Bản, trước dịch từ Hà Nội và TP HCM đi Tokyo chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet bay, nên Cục đã thống nhất chỉ phân bổ cho cho 2 hãng này. Số lượng chuyến bay của mỗi hãng được quyết định theo tỷ lệ các chuyến bay trước đây họ đã có. Phía Nhật cũng đã thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam sẽ chỉ định 2 hãng bay là Japan Airlines và ANA nối lại đường bay với Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép các hãng hàng không mở bán vé chuyến bay quốc tế thường lệ đến Nhật Bản và Mỹ.
Từ cuối tháng 3-2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đi/đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
Đối với chuyến bay quốc tế thường lệ có vận chuyển hành khách đến (được sự cho phép nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền) và đi từ Việt Nam, hiện chỉ có 19 hãng hàng không nước ngoài và 1 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang khai thác các đường bay giữa Việt Nam (Hà Nội, TP HCM) và 13 quốc gia/vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Úc, Pháp, UAE và Qatar với trung bình hơn 130 chuyến bay hàng tuần mỗi chiều.
Với các chuyến bay thường lệ chở khách từ Việt Nam đi, Vietnam Airlines khai thác tới tổng cộng 4 quốc gia (Úc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan). Với các thị trường còn lại, hoặc nhu cầu khách không đủ lớn, hoặc có một số rào cản, quy định liên quan đến việc nhập cảnh (như Trung Quốc với chính sách 5.1 - chỉ cho phép mỗi 1 quốc gia có 1 hãng hàng không được bay 1 đường bay đến 1 điểm đến, tần suất 1 chuyến/tuần; Đài Loan, Hồng Kông chỉ cho phép khách quốc tịch và nhân thân nhập cảnh), Vietnam Airlines vẫn chưa phục hồi khai thác thường lệ tới các thị trường này.
Với các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam: Vietnam Airlines và các hãng chỉ có thể khai thác theo hình thức chuyến bay hồi hương hoặc chuyến combo (chở khách chuyên gia) vào Việt Nam, phép bay được cấp theo từng chuyến khi có đầy đủ bộ giấy tờ như yêu cầu. Các điều kiện như trên không đủ để các hãng hàng không Việt Nam khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Hiện nay Vietnam Airlines vẫn đang duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc phục vụ nhu cầu khách từ Việt Nam sang các nước này. Ngoài ra, hãng kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay, chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu. Ngày 28-11, Vietnam Airlines mở đường bay TP HCM-Mỹ đặc mục tiêu cạnh tranh và thu hút khách có doanh thu cao để tăng cơ hội khai thác, hiện đang khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP HCM và San Francisco.
Chủ trương mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ cho phép khai thác thường lệ các chuyến bay quốc tế từ ngày 1-1-2022 được đánh giá sẽ giúp các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán 2 chiều chở khách.
Chi phí phục vụ các chuyến bay không thường lệ, nhất là ở các đầu bay nước ngoài, giá dịch vụ cao hơn rất nhiều. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng sẽ giảm bớt, đây là cơ sở điều chỉnh giá vé thấp để hành khách đi lại.
Ngoài ra, việc miễn cách ly tập trung cho khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có kết quả xét nghiệm âm tính cũng giảm chi phí cho hành khách khi không phải cách ly tập trung. Như vậy hành khách sẽ có nhiều cơ hội về Việt Nam hơn khi có nhiều chuyến bay theo lựa chọn phù hợp.
Hiện nay có khá đông bà con người Việt đang sinh sống ở nước ngoài mong muốn Chính phủ sớm mở lại các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các nước để sớm được về quê. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng giá vé máy bay và chi phí phòng chống dịch bệnh quá cao sẽ là khó khăn gây cản trở cho việc hồi hương.
Quy định với người nhập cảnh
Theo quy định mới nhất do Bộ Y tế đã ban hành ngày 16-12, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh.
Khi nhập cảnh Việt Nam cần cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid).
Trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi cư trú.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 cần thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày
Bộ Y tế cũng vừa ban hành quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp "hộ chiếu vắc-xin", có hiệu lực từ ngày 20-12-2021. Theo đó, "hộ chiếu vắc-xin" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận "hộ chiếu vắc-xin" được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.