Phát biểu khai mạc Hội thảo “Kinh tế số 2022: Cú hích từ đại dịch đến kinh tế số", PTS.GS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương nhận định: “Một trong những giải pháp cần thiết phải suy ngẫm, cân nhắc giúp tất cả phục hồi đó là kinh tế số”.
Bởi, năm 2021, chúng ta đã chứng kiến và bị ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch, giờ đây buộc phải sống chung, thích ứng với dịch bệnh cùng hướng đi đúng đắn, hiệu quả nhất.
Vững bước qua đại dịch nhờ công nghệ số
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, chuyên gia kinh tế: “Đã đến lúc phải tư duy lại rất nhiều thứ, đặc biệt là về lợi thế cạnh tranh, cách thức cạnh tranh trong môi trường kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ như hiện nay”.
Ông cho biết, hiện nay, các "ông lớn" về công nghệ, kỹ thuật số đang dẫn dắt nền kinh tế thế giới và hưởng lợi rất nhiều từ cú hích đại dịch. Trả lời cho câu hỏi đặt làm thế nào để họ thành công trong nền kinh tế đầy biến động, gồm 5 lí do chính.
Thứ nhất, họ luôn tưởng tượng ra một không gian thị trường rộng lớn gấp hàng trăm lần, thậm chí chưa có ở thực tại.
Thứ hai, tạo sức mạnh cốt lõi chính là nền tảng số ưu việt, thực chất là tổ hợp các thuật toán được kết hợp một cách chuyên nghiệp giúp lưu trữ, phân tích và thử nghiệm nhanh chóng.
Quan trọng nhất, chính thuật toán ưu việt này giúp tiếp cận đến một số lượng lớn người dùng, khách hàng trên toàn cầu với chi phí thấp, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp này.
Thứ ba, tạo được hệ sinh thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ông lấy ví dụ như Amazon, Apple hay Netflix, hệ sinh thái cho phép mở rộng một cách nhanh chóng và không giới hạn với chi phí đầu tư cho hoạt động này gần như bằng 0. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng diễn ra mạnh và nhanh.
Thứ tư, họ gắn hoạt động tạo ra doanh thu hay kiếm tiền gắn liền với sự trực tiếp (kinh doanh tiền mặt), hay nôm na là họ tiếp cận đến người chi trả trực tiếp (khách hàng cuối) thông qua hệ thống thuê bao hay hệ thống thu tiền tự động, trực tiếp.
Thứ năm, thiết kế được một tổ chức mà điểm mạnh không chỉ là ý tưởng, mà hướng tới phục vụ tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời tốc độ được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, không phải là những “gã khổng lồ công nghệ”, với câu chuyện của những doanh nghiệp truyền thống, liệu có cơ hội trong nền kinh tế số không?
Câu trả lời của doanh nghiệp truyền thống
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hoa, CEO Công ty cổ phần EUBiz, đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản Việt cho biết, với EUBiz, Covid là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số, bởi đây là một xu hướng của thế giới.
Nếu ngành nông nghiệp trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu theo hình thức truyền thống, thì hiện tại với sự chuyển dịch qua kênh thương mại điện tử, sẽ giúp sản phẩm lẫn thương hiệu được nâng tầm giá trị hơn rất nhiều.
Bà đưa ra dẫn chứng cụ thể, thương mại điện tử đem lại một doanh thu khổng lồ, thị trường lớn cho nền nông nghiệp (lên tới khoảng 4,2 tỷ USD trong năm 2020).
Mặt khác, khi sử dụng công nghệ số, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tăng độ phủ thương hiệu. Thông thường khi gặp trực tiếp 1 đối 1, khách hàng sẽ bị giới hạn, tuy nhiên khi đưa thương hiệu lên những sàn thương mại lớn, uy tín trên thế giới như Amazon, Alibaba thì số người tiếp cận được với thương hiệu được lên theo cấp số nhân, với chi phí tối ưu.
Thêm nữa, khi sử dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể hiểu và tiếp cận được các yêu cầu của thị trường qua các kênh đo lường, tương tác, từ đó nhanh chóng điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp hơn một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, TMĐT cũng giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng mọi yêu cầu ngay cả khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong giai đoạn dịch bệnh.
Có thể nói, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận vào thị trường Châu Âu, Anh Quốc, đặc biệt kết hợp với lợi thế thuế từ Hiệp định EVFTA, ngành nông sản được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước tiến vượt bậc.
Đối với doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, ông Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam cho rằng, bản thân là một DNVVN, Hồng Lam cho rằng doanh nghiệp vẫn phải dựa vào nội lực là chính, song không thể thiếu sự trau dồi và học hỏi sự sáng tạo, xu hướng thế giới để phát triển, đưa thương hiệu vươn ra biển lớn.
Ông cho biết thêm, từ 2020, mảng bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử đã đóng góp 15-20% tổng doanh thu. Thời gian qua, Hồng Lam cũng đẩy mạnh các giải pháp số trong hoạt động sản xuất của mình và thu được những thành quả nhất định.
Theo ông, cần lên một lộ trình chung, sau đó mới đến những cấu tử nhỏ hơn, doanh nghiệp sẽ có những công nghệ được thiết kế phù hợp cho từng loại lô hàng, bởi với mặt hàng ô mai có rất nhiều chỉ số, định lượng khác nhau, công nghệ giúp tối ưu cho giai đoạn phân loại.