Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước đạt 1.200 tỉ đồng, bằng 202% so với năm ngoái, đạt 170% kế hoạch. Đây là thông tin được ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex, cho biết tại buổi họp thông tin kết quả sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021 diễn ra chiều ngày 23-12.
Theo ông Vương Đức Anh, mức lợi nhuận trước thuế 1.200 tỉ đồng năm 2021 cao hơn năm 2019 trước đại dịch Covid-19 khoảng 70%. Vinatex đã hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch, trong đó có một số chỉ tiêu cao hơn.
Chia sẻ thêm về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Viantex, cho biết 2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Ông Hiếu dùng từ "tuyệt vọng" để nói về những khó khăn mà ngành dệt may đối mặt khi 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn năm 2021
"Một tổng công ty lớn như Việt Tiến, có thời điểm hàng ngàn lao động phải ngừng việc, đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng chưa bao giờ đối mặt với việc nhiều lao động phải ngừng việc như vậy"- ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Ngay sau khi nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp trở lại hoạt động, ông Cao Hữu Hiếu cho biết người lao động của ngành dệt may đã trở lại làm việc với tỉ lệ rất cao. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Vinatex, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp Vinatex phục hồi sản xuất kinh doanh và đạt được các kết quả khả quan nêu trên. "Chúng tôi luôn xác định người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp"- ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Theo đai diện Công đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may Việt Nam với 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp; 12 lao động tử vong do dịch; 6.300 người mắc Covid-19; 35.023 người lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do thực hiện phong toả, cách ly, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn.
Trước tình hình trên, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỉ đồng, bao gồm hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch cho công đoàn cơ sở, trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng…
Về thu nhập của người lao động tập đoàn, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Ông Cao Hữu Hiếu cũng thông tin về dự kiến thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, đối với các đơn vị ở khu vực phía Bắc, dự kiến mức thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương. Đối với các đơn vị ở khu vực phía Nam, tối thiểu là 1 tháng lương, còn đơn vị nào phục hồi sản xuất kinh doanh sớm, có kết quả tốt, có thể thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương.
Về kế hoạch năm 2022, ông Cao Hữu Hiếu cho biết Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi - dệt - nhuôm - may, hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng giám đốc Viantex cho biết đơn vị sẽ tạo liên kết chuỗi sản xuất dệt may. Theo đó, quy hoạch quy mô sản xuất công nghiệp của tập đoàn trong giai đoạn tới, với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, cung cấp sản phẩm trọn gói và có sự cân bằng tương đối giữa các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Vinatex sẽ triển khai các giải pháp về quản trị, về thị trường, khách hàng, đầu tư công nghệ, lao động, đào tạo nhân lực…
Ông Cao Hữu Hiếu cũng tiết lộ một số đơn vị thuộc tập đoàn đã nhận được đơn hàng đến quý I/2022, có đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý II/2022.