Lĩnh vực cung cấp dịch vụ ngân hàng cho đối tượng khách hàng cá nhân năm qua có nhiều thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đầu tiên và dễ nhận biết nhất là xu hướng đẩy mạnh số hoá các dịch vụ ngân hàng cá nhân cũng như thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang đối diện với nhiều thách thức như về mô hình, tiêu chí mới của các dịch vụ ngân hàng cá nhân giai đoạn bình thường mới.
Phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng 4.0 là động lực phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đây là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu giúp ngân hàng mở rộng thị trường nâng cao năng lực cạnh tranh tạo nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế".
Ông chia sẻ thêm, một minh chứng rõ ràng nhất là trải qua dịch bệnh đầu năm 2020 đến nay với diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân nghiêm trọng. Song các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính và các đơn vị trung gian thanh toán đã kịp thời đầu tư các thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cho người dân.
Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, internet banking,... giúp khách hàng cá nhân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc mọi nơi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt sau khi NHNN cho phép các ngân hàng sử dụng công nghệ định danh khách hành eKYC.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực ĐNA, với khoảng 50 triệu người (chiếm tỉ lệ 50% dân số hiện nay). Do đó, dịch vụ ngân hàng trực tuyến có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, chiếm hơn 40% giao dịch. Tốc độ tăng trưởng thanh toán QR code lên đến 200% so với năm trước.
Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, các loại dịch vụ bán lẻ mới đa tiện ích với hình thức huy động vốn đa dạng linh hoạt, các tổ chức công ty tài chính càng chú trọng và mở rộng cho vay cá nhân dưới hình thức cho vay mua nhà mua xe ô tô chứng minh tài chính tiêu dùng cá nhân,....
Chính vì vậy dư nợ cho vay bán lẻ của các TCTD ngày càng cao và chiếm tỉ trọng khoảng 40-50% tổng dư nợ cho vay đối với các ngân hàng lớn và ngân hàng trung bình. Cùng với đó, các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2021, ước tính dư nợ đạt 200.000 tỷ, tăng 6% so với năm 2020.
Thực tế cho thấy phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân trên nền tảng công nghệ, thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
"Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn còn một số những tồn tại bất cập", ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ nhất, tỉ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ khách hàng đặc biệt là các dịch vụ hiện đại còn khiêm tốn. Nguyên nhân đến từ việc mức thu nhập của người dân còn thấp và thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn.
Thứ hai, kênh phân phối chưa thực sử đa dạng, phương thức giao dịch và cung ứng dịch vụ chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, còn các giao dịch từ xa trên nền tảng CNTT còn chưa phổ biến.
Thứ ba, thông tin dữ liệu cá nhân khách hàng còn thiếu gây ra khó khăn cho các ngân hàng khi khai thác.
Thứ tư là môi trường pháp lý về hoạt động ngân hàng chưa thực sự phù hợp với thực tế. Trong khi tốc độ phát triển dịch vụ như hiện nay, khi các ngân hàng muốn triển khai dịch vụ mới phải đối diện với nhiều bất cập.
Thứ năm là mở rộng hệ sinh thái số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, song hạ tầng thanh toán còn chưa thống nhất để tiện tích hợp, kết nối.
Từ đó, ông Hùng cũng chỉ ra rằng: "Chính phủ đang ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025-2030, được coi là tiền đề để các ngân hàng phát triển. Vì vậy ngân hành nói chung cần nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh trong đó tập trung hoàn thiện dịch vụ TCCN thích ứng với điều kiện bình thường mới. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số để gắn kết khách hàng".
Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm - Tổng giám đốc IDG Việt Nam phân tích: "Tại Việt Nam xu hướng đẩy mạnh chuyển đối số của các ngân hàng cá nhân và việc phát triển nhanh dịch vụ thanh toán không cần tiền mặt đang được thực hiện. Tuy vây các ngân hàng và TCTD đã và đang đối diện với nhiều thách thức đối với tiêu chí mới của các ngân hàng trong giai đoạn bình thường mới. Từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, tôi cho rằng cần chú trọng tính đổi mới và ứng dụng CNTT. Tương tự, hiện nay vấn đề an toàn thông tin là một trong những sức ép lớn nhất đối với các ngân hàng".
Tìm hiểu từ khía cạnh quốc tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay: "Chúng ta đang nói đến một xu hướng toàn cầu là kỹ thuật số, chuyển đổi số, Việt Nam cũng đang đi vào xu hướng đó. Tại Mỹ, cũng như Việt Nam, tôi nhận thấy người ta vẫn thanh toán theo 2 cách tiền mặt và thẻ tín dụng. Song, một điều đáng ngạc nhiên là không có nơi nào sử dụng QR code tại Ngân hàng ở Mỹ. Sau khi tìm hiểu tôi cho rằng nguyên nhân đến từ vấn đề an ninh mạng".
Ông cũng đánh giá cao tính bảo mật của ngân hàng và ý thức cao của người dân Mỹ khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: "Tại Việt Nam việc chuyển đổi số ngành ngân hàng là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có hành lang pháp lý phù hợp; bên cạnh đó khuyến khích áp dụng việc xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng (credit core) tại nước ta".