Một hàng dài tàu container khổng lồ chờ đợi để cập cảng Los Angeles và Long Beach. Đối với Weston LaBar, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải hàng hoá cảng khi đó, hàng chục tàu chở hàng từ châu Á mang theo cảm giác rùng rợn của một cuộc "xâm lăng" sắp xảy đến.
Và trận chiến thực sự bắt đầu, không phải theo nghĩa quân sự. Đó là khởi đầu của một cuộc đại khủng hoảng, một cú sốc về nguồn cung khiến một số nhà kho hoặc nhà máy không đủ khả năng sản xuất. Đỉnh điểm là cảnh báo về một kỳ nghỉ lễ bị "phá huỷ" bởi lạm phát và khiến trẻ em thất vọng vì chờ đợi những món quà.
Thực ra, biểu tượng của căng thẳng nguồn cung như việc tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez là những gì duy nhất còn sót lại của năm 2021.
Những con tàu ngoài khơi bờ biển California dần trở thành một hình ảnh quen thuộc của nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì nó làm nổi bật sự mất cân bằng sâu sắc. Khi mà người tiêu dùng Mỹ được trợ giúp nhờ kích thích tài chính, vắc xin dồi dào và thị trường việc làm phục hồi nhanh chóng, những tuyến giao thông huyết mạch xung quanh họ lại bị tắc nghẽn.
Rất ít nơi trên thế giới thoát khỏi tình trạng "nút thắt cổ chai". Tàu, xe lửa, xe tải và máy bay là những phương tiện dựa vào sức người khoẻ mạnh để duy trì lịch trình chặt chẽ, giúp cho hoạt động diễn ra suôn sẻ.
Tại Anh, nhiên liệu cạn kiệt do thiếu tài xế giao hàng hậu Brexit. Đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử và các công ty ô tô, tình trạng thiếu chip nhớ đã nhắc nhở thế giới về việc nhiều thiết bị hoạt động nhờ các đĩa bán dẫn nhỏ được sản xuất chủ yếu ở Đài Loan và Hàn Quốc.
Các công ty từ Anh, Đức đến Ai Cập, Peru đều vật lộn để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô và cảnh báo tình hình giá cao sẽ kéo dài. Hoá đơn sinh hoạt trở thành gánh nặng với người tiêu dùng khắp mọi nơi khi chí phí không ngừng tăng lên.
Các chuỗi cung ứng phải mất vài quý để tháo gỡ các vấn đề và sẽ không thể tự khắc phục nhanh chóng. Từ Los Angeles đến Rotterdam, các chuyên gia logistics cảnh báo tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ không suy giảm cho đến năm 2023. Như Lars Jensen, giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng hải Vespucci tại Copenhagen, đã nói: "Không có cách nào dễ dàng khắc phục nhanh tình trạng này".
Hàng tồn đọng trên các con tàu ngoài khơi hai cảng Los Angeles và Long Beach, California ngày 9/10 trở thành một biểu tượng dễ nhận thấy nhất của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh: Bloomberg.
Trong bối cảnh giá khí đốt châu Âu tăng cao kỷ lục, Nga đã thực hiện can thiệp để hạ nhiệt thị trường bằng việc thông báo Gazprom có thể tăng nguồn cung, xoa dịu tình trạng thiếu hụt. Ảnh: Cộng hòa Sakha, Nga, ngày 11/10, Bloomberg.
Sự tắc nghẽn trong giao thông vận tải đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt các sản phẩm chủ lực. Ảnh: Fuji, Nhật Bản ngày 7/9, Bloomberg.
Beirut, ngày 7/9. Lebanon đã bị mất điện trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Ảnh: Bloomberg.
Phelan, California, ngày 19/11. Chi phí vận tải tiếp tục tăng do các "nút thắt cổ chai" bao gồm số lượng kỷ lục tàu container bị tắc nghẽn. Ảnh: Bloomberg.
Los Angeles, ngày 16/11. Rơ moóc chở container đã bị thiếu hụt do lượng hàng nhập khẩu tràn vào gây quá tải. Ảnh: Bloomberg.
Melbourne, Australia, ngày 27/4. Một máy ép bìa cứng tại nhà máy Visy Industries. Khi Covid-19 buộc mọi người phải ở nhà, mua sắm trực tuyến tăng dẫn đến nhu cầu đóng gói tăng theo. Ảnh: Bloomberg.
Houston, ngày 19/2. Đợt lạnh bất thường tấn công bang Texas của Mỹ đã khiến hệ thống lưới điện tê liệt. Các kệ hàng trống trơn và hàng triệu người sống trong bóng tối và lạnh giá. Ảnh: Bloomberg.
Yokohama, Nhật Bản, ngày 7/2. Những chiếc xe y của Subaru Corp., trở nên quý giá do sự thiếu hụt chất bán dẫn khiến các loại xe mới khó mua hơn. Ảnh: Bloomberg.
Tham khảo Bloomberg