Truyền thông Trung Quốc dẫn lời của một nhân viên cục thuế cho biết, vẫn còn nhiều streamer nổi tiếng đang bị điều tra thuế, số tiền trốn thuế gây choáng váng dư luận, "lên đến vài trăm triệu tệ".
Truyền thông Trung Quốc dự báo gì sau sự kiện này?
Ngày 21/12, "Shell Finance", một kênh truyền thông tài chính thuộc Tin tức Bắc Kinh của truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời của một nhân viên cục thuế, nói rằng các streamer nổi tiếng bị điều tra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, việc kiểm tra thuế của bộ phận giám sát đối với ngành này vẫn đang được tiến hành.
Người này còn cho biết, ngoài Wei Ya còn có một số streamer khác không tiện tiết lộ danh tính. Những streamer này đều đã đóng bù thuế, càng điều tra càng thấy lỗ hổng lớn, con số cụ thể không được tiết lộ, tuy nhiên có thể biết rằng "số tiền này gây choáng váng dư luận, ít nhất cũng phải vài trăm triệu." Ông cũng cho biết, các bên đã thương thảo về thời điểm thích hợp để công bố các streamer nổi tiếng khác, hình phạt cụ thể sẽ không được công bố trong cùng ngày.
Kênh truyền thông nhà nước, Tân Hoa Xã đưa tin, từ tháng 9/2021, Cục thuế nhà nước Trung Quốc đã thông báo cho các streamer có liên quan rằng, trước cuối năm 2021 nếu họ chủ động báo cáo và khắc phục ngay các vấn đề liên quan đến thuế thì họ có thể được giảm nhẹ hoặc miễn các hình phạt theo quy định pháp luật. Hiện tại, hàng nghìn streamer đã chủ động tự kiểm tra và nộp bù thuế.
Một bài đăng về "Báo cáo kiểm tra và giám sát kỷ luật Trung Quốc" ngày 21 trên phương tiện truyền thông trực thuộc Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố rằng các hình phạt đối với Wei Ya đã cho thấy thẩm quyền và sự công bằng của luật thuế. Đồng thời nhấn mạnh rằng trang web livestream không phải là "địa điểm ngoài vòng pháp luật", những người hành nghề có liên quan phải có trách nhiệm xã hội phù hợp với thu nhập và địa vị của họ.
Wei Ya (Huang Wei), được biết đến với biệt danh "Chị đại ngành livestream", là nhân vật tiêu biểu trong trào lưu "livestream bán hàng". Vào ngày 20, có thông tin cho rằng do trốn thuế 634 triệu NDT và nộp thuế thiếu 60 triệu NDT, nên đã bị truy thu tổng cộng 1,341 tỷ NDT tiền thuế và tiền phạt nộp muộn. Vụ việc này cũng thấp thoáng cho thấy sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy "thịnh vượng chung", cơ quan giám sát đã nhắm vào ngành công nghiệp với quy mô kinh tế đáng kinh ngạc này.
Các động thái sắp tới của cơ quan quản lý thuế Trung Quốc
"Livestream bán hàng" là một trong những ngành công nghiệp mới nổi, phát triển mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trang Reuters đã dẫn lời của công ty tư vấn McKinsey, dự báo rằng doanh thu ngành livestream của Trung Quốc sẽ đạt 423 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp đôi so với mức định giá năm 2020, thậm chí còn có quy mô kinh tế lớn hơn cả các nước như Na Uy và Ireland. Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội ngành diễn xuất Trung Quốc năm 2020.Ngành công nghiệp livestream đang đứng đầu sự phát triển Internet với 617 triệu người dùng và 130 triệu streamer,
Vì thế, Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra thuế thường xuyên đối với tất cả các nghệ sĩ hàng đầu của giới giải trí bao gồm cả những người có tầm ảnh hưởng (KOLs), các streamer hoạt động tự do trên mạng. Đây là một phần trong chiến dịch làm sạch ngành giải trí và văn hóa thần tượng độc hại bắt đầu từ tháng trước. Cho tới hết năm nay, những nghệ sĩ có thu nhập cao mà tự nguyện khai báo chính xác thu nhập có thể được giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn trừ tội danh trước khi cơ quan thuế Trung Quốc vào cuộc.
Cuộc điều tra được lên kế hoạch gọi là ngẫu nhiên kép, trong đó đối tượng điều tra và thanh tra viên được chỉ định ghép ngẫu nhiên với nhau, theo thông báo của Tổng cục thuế vụ quốc gia Trung Quốc hôm thứ bảy. Cơ quan này đặt ra hạn chót là cuối năm nay cho các ngôi sao thu nhập ‘khủng’, với những ai không tuân thủ sẽ bị trừng phạt nặng nề bởi cơ quan quản lý lẫn hiệp hội giải trí.
Theo luật pháp Trung Quốc, không nộp thuế quá hạn và các khoản tiền phạt trong thời gian quy định theo yêu cầu của cơ quan chức năng sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Theo Chinatimes