Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (Bộ Công Thương) vừa cho biết, ngày 17-12, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau: Rau mùi: 50%; Húng quế: 50%; Bạc Hà: 50%; Rau mùi tây: 50% Đậu bắp: 50%; Hạt tiêu: 50%; Thanh long: 20%; Mì ăn liền : 20%.
Dự kiến kể từ ngày 6-1-2022, mỳ ăn liền khi xuất khẩu vào EU sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide. Ảnh: AH
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo. Như vậy, dự kiến kể từ ngày 6-1-2022, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide).
Do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật thì cần thêm chứng thư từ Cục Thú Y. Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.
Theo thông tin từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), dữ liệu của hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Ethylene Oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Thời gian qua, Việt Nam cũng có một số sản phẩm bị cảnh báo về dư lượng Ethylene Oxide khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...
Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Ethylene Oxide không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella.
Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nay Việt Nam vẫn chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.