Cục thuế tại 20 tỉnh thành của Trung Quốc - bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang - đã yêu cầu các livestreamer nộp khoản thuế còn tồn đọng nếu muốn hưởng hình phạt nhẹ hơn hoặc không bị phạt. Những người không đăng ký nộp thuế trước khi hết năm 2021 sẽ bị phạt nặng như trường hợp của “ngôi sao livestream” Viya (Vi Á) - người vừa bị phạt 1,34 tỷ Nhân dân tệ (210 triệu USD) do trốn thuế.
Kể từ tháng 9/2021, ít nhất 1000 livestreamer bán hàng trên mạng tại Trung Quốc đã liên lạc với cơ quan thuế địa phương để báo cáo nộp thêm thuế và mong được hưởng khoan hồng, theo Tân Hoa Xã. Một livestreamer tại tỉnh Chiết Giang trước đó ghi lại hàng chục triệu NDT tiền hoa hồng là thu nhập doanh nghiệp thay vì thu nhập cá nhân đã liên lạc cơ quan thuế địa phương chỉ một ngày sau khi vụ việc của Vi Á được công bố.
Thuế suất tối đa đối với thu nhập cá nhân tại Trung Quốc là 45%, cao hơn nhiều so với mức 25% đối với thu nhập doanh nghiệp. Sự khác biệt này đã dẫn đến việc nhiều người làm livestream như Vi Á đăng ký nhiều công ty với mục đích ghi thu nhập cá nhân thành thu nhập doanh nghiệp. Một số người còn đăng ký công ty ma tại các vùng có thời gian miễn thuế hoặc có thuế suất thấp hơn. Bản thân Vi Á đã đăng ký một số phương tiện tại Sùng Minh - một khu đảo của Thượng Hải có ưu đãi thuế.
Một số nhân vật nổi tiếng trên Internet với thu nhập khổng lồ từ tiền hoa hồng thường thuê các công ty bên thứ ba nhằm xây dựng chiến lược giảm thuế cho mình. Những người ít nổi tiếng hơn, với thu nhập chủ yếu đến từ đóng góp của fan và do đó khó đánh thuế, lại thường báo thu nhập chịu thuế thấp hơn thực tế.
Theo một kế toán thuế tại Trung Quốc, né và trốn thuế là hiện tượng vô cùng phổ biến trong giới làm livestream tại Trung Quốc bởi giới quản lý thuế thường ít khi điều tra hành vi này, tuy vẫn duy trì quan điểm yêu cầu kê khai thuế trung thực. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong thời gian gần đây, khi cơ quan chức năng Trung Quốc mạnh tay trừng phạt những người nổi tiếng có hành vi trốn thuế và thậm chí coi đó là hành vi phạm vào luật hình sự.
Như trong trường hợp của Vi Á, chồng của cô là Đổng Hải Phong nói rằng hai vợ chồng đã thuê các công ty bên thứ ba nhằm “lập kế hoạch và quản lý thuế” mà không nhận ra rằng họ đang phạm luật cho đến tháng 11 năm ngoái. Theo kết luận điều tra, Vi Á đã trốn khoản thuế trị giá hơn 700 triệu NDT (109 triệu USD) từ năm 2019 đến năm 2020.
Ngoài mức phạt kỷ lục do trốn thuế cho một cá nhân tại Trung Quốc, tài khoản trên nền tảng thương mại điện tử Taobao cùng mạng xã hội Weibo và Douyin của cô cũng bị ngừng hoạt động. Chưa rõ liệu Vi Á có thể tiếp tục hoạt động livestream sau vụ việc này hay không.
Cục thuế thành phố Hàng Châu - cơ quan đưa ra hình phạt trên - cho biết Vi Á đã không thực hiện các biện pháp cần làm ngay cả sau khi bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần. Theo luật pháp Trung Quốc, hành vi không nộp hoặc nộp không đủ thuế có thể bị phạt một khoản gấp 5 lần khoản tiền trốn thuế.
Hình phạt nặng nề cùng những lời chỉ trích quyết liệt từ các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng hành vi trốn thuế của những người như Vi Á vừa là hành động vi phạm pháp luật và vừa là điều cấm về chính trị, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến dịch hướng đến mục tiêu “thịnh vượng chung” nhằm giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế - xã hội. Tại Trung Quốc, nơi mà lương trung bình của người làm trong khu vực tư nhân là dưới 58.000 NDT/năm (9104 USD) năm 2020 và khoảng 600 triệu người vẫn phải sống với thu nhập bằng hoặc dưới 1000 NDT/tháng (157 USD), bất kỳ hành động phô trương của cải quá lố nào cũng sẽ bị dò xét.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh chiến dịch truy thu thuế này, chủ yếu do bất bình với khối tài sản khổng lồ mà những livestreamer như Vi Á đã thu về từ quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, một số người khác lại đặt câu hỏi về thời điểm và mức độ của hình thức xử phạt, bao gồm cả việc ngừng tài khoản mạng xã hội của Vi Á. Một người còn viết trên WeChat: “Nếu một hãng hàng không bị phát hiện trốn thuế thì có cần đập bỏ hết máy bay của hãng đó không?”
Bên cạnh Vi Á, một số livestreamer nổi tiếng khác như Chu Thần Tuệ (Tuyết Lê Cherie) và Lâm San San (Sunny) đã lần lượt bị phạt 65,6 triệu NDT (10,3 triệu USD) và 27,7 triệu NDT (4,35 triệu USD) do vấn đề về thuế và bị cấm tiếp tục kinh doanh trên mạng. Tại Trung Quốc, các nhân vật nổi tiếng bị xử phạt ít có cơ hội kháng cáo.
Những diễn biến như vậy gần đây đã cho thấy năng lực và công nghệ giám sát giao dịch tài chính cá nhân ngày càng hiện đại của cơ quan thuế tại Trung Quốc. Với trường hợp của Vi Á, cơ quan thuế Hàng Châu cho biết đã phát hiện việc cô trốn thuế thông qua “phân tích dữ liệu lớn về thuế”.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tổng thu từ thuế trong vòng 11 tháng của năm 2021 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước lên mức 16 nghìn tỷ NDT (2,51 nghìn tỷ USD), trong đó thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng 20% lên mức 1,3 nghìn tỷ NDT (204 tỷ USD). Thu từ thuế tại Trung Quốc tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập cá nhân, vốn chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19 kéo dài.
Tùng Phong (Theo SCMP)