Suốt một thời gian dài, khi vụ việc mua bán văn bằng 2 ở Trường ĐH Đông Đô vỡ lở, nhiều người đòi phải công khai danh tính những người đã "chịu chi" để nhận về tấm bằng giả. Đáp lại, trong số 210 người được xác định đã mua bằng giả của ĐH Đông Đô, bị cơ quan điều tra thu giữ số bằng này, rốt cục chỉ vỏn vẹn hai người có mặt tại tòa.
Dù danh tính chưa được tiết lộ, song người làm ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí cả viện nghiên cứu, học viện, trường ĐH cũng đã "biết tỏng" những người "mua bằng" chính là đồng nghiệp của mình khi có vị đã mất chức, có người bị kiểm điểm…
Vậy câu chuyện ở ĐH Đông Đô là cá biệt hay chỉ là bề nổi của tảng băng chìm? "Không học, không thi, chỉ cần có tiền là có bằng ĐH". Công thức "hai không, một có" để sở hữu tấm bằng ĐH thực ra không phải "độc quyền" của ĐH Đông Đô.
Gần đây, vụ "bán bằng" cử nhân ngôn ngữ Anh tương tự diễn ra tại trường ĐH ở Bắc Ninh cũng đã bị xử lý. Trước đó, một số trường bị phanh phui việc đào tạo từ xa, hay tổ chức kỳ thi chứng chỉ B1, B2 tiếng Anh cũng đầy bát nháo.
"Ưu điểm của văn bằng 2 ngôn ngữ Anh là được Bộ GD-ĐT công nhận có thể thay thế chứng chỉ B1, B2 và có giá trị vĩnh viễn". Những quảng cáo rùm beng, đánh trúng nhu cầu của nhiều người đã được nhiều trường sử dụng để "câu" người học. Học giả, thi giả, rồi điềm nhiên mang bằng cấp đó đi làm thạc sĩ, tiến sĩ, thi công chức, nâng ngạch...
Sai phạm của nhà trường, của từng cá nhân đã được tòa án phán quyết hôm qua 24-12. Nhưng bên cạnh những người cấu kết trục lợi tại ĐH Đông Đô, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao khi đã lộ ra những lỗ hổng trong quản lý về tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng?
Nói thế nào khi Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nhưng cũng lại chính bộ đăng tải đề án tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 này của trường lên cổng thông tin của bộ?
Nếu chặt chẽ và liêm chính có lẽ sẽ không bao giờ có chuyện vụ này không cho mở ngành, vụ kia lại thông báo chỉ tiêu cho chính ngành ấy.
Trước vụ việc gây xôn xao dư luận, Thủ tướng từng chỉ đạo Bộ GD-ĐT kiểm điểm, "xử lý trách nhiệm các cá nhân cho phép Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, không để xảy ra vi phạm tương tự"… Nhưng đến nay, sau tròn một năm, việc xử lý đến đâu, rút kinh nghiệm thế nào vẫn chưa từng được Bộ GD-ĐT công bố.
Liệu có thể yên tâm sau ĐH Đông Đô sẽ không còn chuyện mua bán bằng ở nơi khác, không còn những vụ việc nhức nhối, đau xót, gây mất niềm tin trong giáo dục?
"Học thật, thi thật, nhân tài thật", Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu này đối với giáo dục trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý nhân ngày 20-11 mới đây. Với một đất nước trọng sự học, không thể chấp nhận chuyện mua bán bằng cấp và rất cần phải xử lý, truy trách nhiệm đến cùng.
TTO - Tòa sơ thẩm đánh giá hành vi cấp bằng giả của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín của cơ quan, đơn vị giáo dục. Tuy nhiên, 10 bị cáo đều không đóng vai trò chủ mưu, chỉ là đồng phạm.
Xem thêm: mth.46784110052211202-nab-aum-eht-gnohk-pac-gnab/nv.ertiout