Người làm nên kỳ tích đó là anh Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận - một doanh nghiệp chuyên dệt chiếu truyền thống ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Đáng nể hơn, kho hàng, nguyên liệu của gia đình anh đã một lần cháy rụi. Anh Tuấn phải đi lái xe tải kiếm sống và lần hồi làm lại.
1. Ở thị trường nội địa, mỗi năm, công ty của anh Tuấn bán hơn 3 triệu chiếc chiếu các loại; còn đơn hàng xuất khẩu thì làm không xuể. “Vì vậy mà ngay cả lúc dịch đang bùng phát dữ dội, chúng tôi cũng không ngừng nghỉ ngày nào. Lúc khó khăn quá thì đóng cửa, làm theo phương án ba tại chỗ” - anh Tuấn chia sẻ.
Chỉ là dệt chiếu nhưng anh Tuấn cho biết, anh rất lo và công việc này mang lại áp lực rất lớn. Áp lực vì sợ không thực hiện được hợp đồng, sợ mất khách hàng vì có thời điểm nhiều khu vực bị phong tỏa, thiếu lao động trầm trọng. Chẳng hạn khâu khai thác nguyên liệu, trước đây mỗi tổ mười người thì khi giãn cách chỉ còn năm người. Rồi vùng trồng lác (còn gọi là cói) ở Trà Vinh lại trúng ngay khu vực bị phong tỏa nên không có người ra đồng khai thác. Tình hình đó khiến giá mọi nguyên phụ liệu từ chỉ, sợi, lục bình, u du… đều tăng vọt.
Riêng năm nay, ngoài số chiếu cung cấp cho các khách hàng truyền thống như các đơn vị quân đội, công an trên cả nước thì công ty còn phải làm thêm hàng triệu chiếc chiếu cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM…
Ngay cả thời điểm khó khăn nhất của đại dịch, Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận vẫn hoạt động không ngừng |
Để chủ động nguồn nguyên liệu, từ nhiều năm trước, Công ty Vĩnh Thuận đã vận động và đầu tư cho bà con nông dân xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) trồng lác theo phương thức công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, khi các khu công nghiệp, khu đô thị phát triển, diện tích trồng lác ngày càng thu hẹp.
“Cây lác khó trồng vì nó thích hợp với vùng nước lợ phèn, lợ mặn. Nếu trồng ở vùng nước mặn thì cây lác ngắn ngủn; trồng ở vùng nước ngọt thì gốc sẽ bè ra; trồng ở vùng nước phèn thì cọng lác mềm, khi dệt xong chiếu sẽ mềm như bị gãy. Cây lác trồng ở vùng nước lợ Trà Vinh dệt chiếu rất đẹp vì thân cây nhỏ đều từ gốc tới ngọn và cao tới 2m” - anh Tuấn đúc kết kinh nghiệm.
2. Thị trường xuất khẩu của Công ty Vĩnh Thuận nhiều năm qua là Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm vừa rồi, công ty ký hợp đồng trị giá 3 triệu USD để xuất chiếu lục bình, u du sang Hàn Quốc. Một mét vuông chiếu u du bán được khoảng 6,5 USD và một mét vuông chiếu lục bình khoảng 5,6 USD.
Sản phẩm chiếu lục bình |
Để mở rộng nghề dệt chiếu, Công ty Vĩnh Thuận chọn người tại địa phương, dạy nghề miễn phí. Sau đó, người này sẽ hướng dẫn lại cho nông dân, hình thành những xóm, làng nghề dệt chiếu thủ công. Khi nông dân làm ra sản phẩm, bán lại cho công ty, người truyền nghề được hưởng hoa hồng trên mỗi chiếc chiếu.
Nhờ cách làm đó, số lao động của công ty đã qua đào tạo nghề hiện có trên 3.000 người, chủ yếu là lao động nhàn rỗi ở các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang và nhiều nhất là ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Riêng dệt chiếu thủ công bằng nguyên liệu lục bình thì tập trung nhiều ở Đồng Tháp.
Ai đã từng sống ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long đều biết u du là loại cây dại mọc ven bờ ruộng. Cây u du thân cứng, màu xanh, có ba cạnh, cao chừng 50 - 80cm, trên đầu ngọn có bông và lá tủa ra như hình hoa thị. Vào mùa khô, khi ruộng lúa thu hoạch xong, chiều chiều, bọn con nít nhà quê kéo nhau ra đồng chơi đùa thường nhổ cây u du lên, bông thì làm cờ, gốc thì bóc phần ruột non ra, lấy phần vỏ mỏng trong suốt làm kèn thổi kêu te te chơi.
Một gia đình làm nghề dệt chiếu thủ công ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp |
Bây giờ, khi loại cây này được đổi thành tiền thì chúng gần như tuyệt chủng ở đồng bằng sông Cửu Long. Muốn có số lượng lớn để dệt chiếu, phải đặt mua từ tỉnh Kampong Cham (Campuchia), mỗi năm chừng 500 tấn. Thế nhưng từ năm 2020 đến giờ, do đại dịch, Campuchia đóng cửa biên giới, kho nguyên liệu u du gần hết sạch mà không có nguồn bổ sung.
So với u du thì lục bình dễ tìm hơn vì có rất nhiều ở các sông rạch vùng sông Hậu. Riêng ở vùng Nha Mân (Đồng Tháp) và Long Mỹ, Vị Thủy (Hậu Giang), người dân có tay nghề nuôi lục bình rất khéo. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, công ty hướng dẫn người dân cách khai thác, phơi khô… đồng thời tổ chức mạng lưới mua gom để bán lại cho công ty, hưởng huê hồng.
3. Anh Trần Đức Tuấn cho biết, dệt chiếu là nghề truyền thống mà gia đình anh đã đem từ quê hương Ninh Bình vào Nam từ thế kỷ trước. Thập niên 1980, gia đình anh làm chiếu xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu cũ. Khi Liên Xô tan rã, thị trường đóng cửa, ba anh chán nản bỏ nghề. Thời gian sau, gia đình anh chỉ làm chiếu với số lượng ít, mỗi ngày đem bỏ mối ở các chợ nhỏ để giữ nghề, kiếm cơm.
Năm 1995, tình cờ có người quen từ nước ngoài về chơi, biết ba anh có nghề, họ đưa hình mẫu cho xem rồi đặt làm chiếu ca rô khổ rộng xuất sang Hàn Quốc. Vậy là từ cái duyên tình cờ, nhà anh khôi phục nghề làm chiếu. Lô hàng đầu tiên được 3.000 chiếc chiếu. Khách hàng vừa ý, đặt hàng liên tục, làm không kịp giao.
Lúc bấy giờ, để có đủ nguyên liệu sản xuất, anh Tuấn kể ba anh phải tới huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) để tìm mua cây lác. Phải đi xa như vậy vì cây lác ở vùng này có ngọn xanh, gốc trắng, dệt chiếu ca rô rất đẹp. Cây lác ở các vùng khác có gốc và ngọn đều màu xanh nên khi dệt không nổi được sọc ca rô. Vậy mà, giữa lúc đang làm ăn thuận lợi, kho hàng của gia đình anh bỗng dưng cháy rụi. Toàn bộ nguyên liệu và thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu trong chốc lát biến thành tro.
Chợ nguyên liệu chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp |
Mất hết vốn liếng, ba anh Tuấn quyết định giải nghệ, về quê làm vườn. Anh thì đi làm tài xế xe tải chở hàng thuê để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Chạy xe được mấy năm, nhớ nghề, anh đau đáu nghĩ cách gầy dựng lại nghề dệt chiếu.
Anh tìm mua ba máy dệt chiếu nhựa cũ của Nhật đem về cải tiến thành máy dệt chiếu lác. Anh bắt đầu lại bằng cách bỏ mối lẻ ở các chợ để làm quen, thăm dò thị trường rồi dần dần làm hàng gia công, xuất khẩu cho đến bây giờ.
Từ dệt thủ công bằng tay, mỗi khung dệt cần có hai người, sau một thời gian, cơ sở Vĩnh Thuận trang bị được máy bán tự động, chỉ một người đứng dệt. Tuy nhiên, máy bán tự động mỗi ngày chỉ dệt được 10m, trong khi khách hàng đặt làm chiếu cuộn dài 20m hoặc 40m. Vậy là anh Tuấn tiếp tục dành dụm, đầu tư thay thế dần bằng máy dệt tự động bên cạnh việc duy trì và mở rộng mạng lưới dệt thủ công.
Đến giờ, ngoài mạng lưới dệt thủ công, bán thủ công rải rác ở nhiều tỉnh, công ty Vĩnh Thuận đã trang bị được 200 máy tự động có thể dệt được những chiếc chiếu cuộn dài 20m hoặc 40m để xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hoàng Phương
Xem thêm: lmth.7073541a-iaogn-taux-uv-iv-ud-u-hnib-cul/nv.moc.enilnounuhp.www