Quyết định cứng rắn
Tháng 2 năm ngoái, công ty thương mại điện tử Shopify Inc. đã thông cáo báo chí và báo cáo thu nhập về việc thay đổi mô tả của hãng từ "Ottawa, Canada" sang một cụm từ mới lạ: "Internet, Everywhere" (tạm dịch: Internet, Mọi nơi). Sự thay đổi này được đề xuất bởi người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Shopify, Tobi Lütke, được biết đến là người có logic cứng rắn.
Vào tháng 5/2020, trước khi đại dịch xảy ra vài tháng, ông đã quyết định chấm dứt hợp đồng thuê các văn phòng của Shopify, bao gồm cả trụ sở chính ở Ottawa và 6 địa điểm tại các thành phố khác. Lütke tuyên bố toàn bộ lực lượng lao động gồm 7.000 người của công ty sẽ làm việc qua hình thức online, mãi mãi. Ông kết luận rằng Shopify hiện đã có mặt khắp nơi, cùng với các nhân viên và khách hàng của mình trong lĩnh vực Ether kỹ thuật số.
Nơi từng là trụ sở chính của Shopify ở Ottawa
Sau gần hai năm hoạt động, công ty công nghệ này đã trở thành cường quốc thương mại điện tử toàn cầu. Kể từ khi Lütke thành lập Shopify 15 năm trước, Shopify cung cấp cho người bán hàng chục dịch vụ để mở cửa hàng trực tuyến, từ trang web giúp quản lý hàng tồn kho đến xử lý thanh toán, với mức giá từ 30 USD đến 2.000 USD một tháng.
Cú lội ngược dòng
Như Zoom đã giúp các công ty Mỹ "sống sót" trong những ngày đầu của đại dịch, Shopify là "vị cứu tinh" đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhiều người trong số họ trước đó còn chưa bao giờ sử dụng ứng dụng mua bán trực tuyến, cho đến khi đây là cách duy nhất để họ có thể tồn tại.
Vào thời điểm đó, Shopify là một công ty chưa có tiếng tăm lớn, chỉ có khoảng 1 triệu người bán, nhiều người thậm chí nhầm lẫn họ với dịch vụ âm nhạc Spotify. Nhưng khi các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi phải đóng cửa hàng loạt, Shopify đã trang bị cho họ những công cụ để hoạt động online tức thì. Nhất là khi Amazon bị tố "hút máu" các thương gia vào năm 2020, họ bắt đầu tìm đến với Shopify.
Biến động giá cổ phiếu của Shopify và Amazon.
Những đợt phong toả trên toàn thế giới đã thúc đẩy vốn hóa thị trường của công ty từ 46 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên 177 tỷ USD trong thời điểm hiện tại. Doanh thu năm 2020 của hãng đã tăng 2,9 tỷ USD, gấp 86% so với năm 2019. Trong ngày Black Friday và Cyber Monday gần đây, các chủ shop trên Shopify đã mang về 6,3 tỷ USD doanh thu, tăng 23% so với một năm trước đó. Hiện nay, công ty đang đứng đầu thị trường Canada, chiếm 8,6% doanh số thương mại điện tử của Mỹ năm 2020, xếp sau Amazon 39% nhưng đứng trước Walmart và EBay, theo EMarketer.
Nghệ thuật lãnh đạo
Lütke, hiện là người giàu thứ hai Canada, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Trong giới công nghệ và bán lẻ, ông trở thành một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người biết đến với hình tượng 41 tuổi, gầy gò, hói đầu và xuất hiện với chiếc mũ lưỡi trai thương hiệu của mình.
Theo nhiều khía cạnh, Lütke và các đồng nghiệp của ông đối lập với đội quân tư bản kỹ thuật của Jeff Bezos. Khi Covid-19 lây lan trên diện rộng, Amazon đã "hô mưa gọi gió" với tôn chỉ "khách hàng là thượng đế". Việc hạ giá và đẩy nhanh thời gian vận chuyển có thể gây ra sự cạnh tranh hoặc khiến các doanh nghiệp nhỏ xa lánh bằng cách loại bỏ sản phẩm của họ.
Mặt khác, bên Shopify "lãng mạn" hơn, các giám đốc điều hành của hãng say mê khai thác những phẩm chất của "dân chủ hóa thương mại" và "làm cho tinh thần kinh doanh trở nên tuyệt vời". Nếu sự tận tâm dành cho khách hàng và các mặt hàng vô hạn đã làm nên biệt danh "cửa hàng mọi thứ" của Amazon, thì Shopify lại muốn trở thành "cửa hàng mọi nơi". "Shopify khiến chúng tôi trông như những kẻ ngốc", cựu giám đốc điều hành của Amazon cho biết.
Khi so sánh Shopify với đối thủ cạnh tranh của hãng, Lütke nhận xét: "Amazon đang cố gắng xây dựng một đế chế và Shopify tìm cách vũ trang cho quân nổi dậy". Tuy nhiên, một lực lượng nổi dậy sẽ không thể có vốn hóa thị trường cỡ Ngôi sao Tử thần. Để duy trì liên minh nổi dậy, Lütke phải làm cho Shopify trở nên hữu ích hơn đối với các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, đồng thời giúp các shop nhỏ khi họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát.
Trong vài tuần đầu tiên của đại dịch, Lütke đã cảnh báo các nhân viên trong một cuộc họp online: "Mỗi khi có khủng hoảng, người thua lỗ lớn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có nguy cơ cao bị xóa sổ vì có ít khả năng thích ứng nhất". Ông tuyên bố sứ mệnh mới của công ty là giúp người bán sống sót qua cơn hỗn loạn.
Shopify đã làm điều đó, nhưng bây giờ nhiều người bán hàng lại gặp nạn. Với các vấn đề của chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, ngay cả các nhà bán lẻ lớn nhất cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay khách hàng kịp thời. Tất nhiên, Amazon có một lợi thế là mạng lưới hậu cần được mài giũa tốt dành cho việc vận chuyển sản phẩm qua các đại dương, đến tận cửa nhà của mọi người. Bên cạnh đó, họ sở hữu khoảng 930 nhà kho trên khắp thế giới.
Người bán trên Shopify có vẻ tuyệt vọng với loại hỗ trợ này. Patrick Coddou, đồng sáng lập của một trang web sản phẩm dành cho nam, cho biết: "Tôi không biết tại sao Shopify không làm được nhiều hơn thế. Chắc chắn sẽ rất tuyệt nếu họ làm điều gì đó để giúp chúng tôi cạnh tranh với Amazon".
Vào tháng 1/2021, công ty đã thuê một giám đốc điều hành hoạt động từ Amazon tên là Nitin Kapoor. Lütke cho biết hậu cần "là một vấn đề khó giải quyết đối với các công ty lớn". Giải quyết ở đây có nghĩa là các công ty đã có đầy đủ phần mềm, vạch rõ chiến dịch để hướng tới và nhân viên không phải "vắt óc" suy nghĩ. Lütke nói: "Nếu cần phải có sự hiệu quả một cách tàn nhẫn theo kiểu Amazon để vận hành mạng lưới, thì tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thành công. Chúng tôi sẽ làm theo cách khác, bởi vì chúng tôi không muốn biến thành như vậy".
Thay vào đó, các giám đốc điều hành của Shopify khẳng định chắc chắn rằng việc phân phối nhanh chóng các loại sản phẩm mà các shop của họ bán không quá quan trọng đối với người mua sắm. Mark Mahaney, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu mạng tại Evercore ISI cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều này không hợp lý. Nếu giữa nơi giao sản phẩm trong vòng một ngày và nơi khác thì không, người mua sẽ ưu tiên việc có được sản phẩm trong ngày. Tôi nghĩ đó sẽ là một thách thức lớn đối với Shopify".
Đối với Lütke, ông cho biết đạt được niềm tin từ hàng loạt các nhà bán lẻ bằng cách cung cấp cho họ nền tảng trực tuyến đơn giản và chắc chắn hóa ra là một phần dễ dàng. "Tôi có những điểm mù rất lớn chỉ vì tôi là một kẻ mọt sách, suốt ngày lập trình và dành toàn bộ tuổi 20 của mình để xây dựng Shopify. Thử thách thật sự là khi khớp mọi thứ lại với nhau", Lütke nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng ở Ottawa.
Ý kiến trái chiều
Với quyết định không sử dụng văn phòng, giám đốc đối ngoại của Lütke, Harley Finkelstein, cho biết: "Lần đầu tiên trong lịch sử 15 năm, đội ngũ nhân tài toàn cầu của chúng tôi không chỉ giới hạn ở những người sẵn sàng chuyển đến Ottawa, Canada, Toronto hoặc bất cứ nơi nào, mà là những người muốn giúp đỡ cho tương lai của ngành thương mại".
Tuy giảm bớt chi phí văn phòng, nhưng vẫn có những người đã quen với cách làm việc truyền thống không đồng tình với việc này. Họ cho rằng việc không có trụ sở chính là một sự bấp bênh, không chắc chắn và thậm chí còn biểu tình trên trang web nội bộ của công ty. Nhưng Lütke là một người cứng rắn, ông vẫn khăng khăng giữ nguyên các nguyên tắc mà ông tin tưởng.
Trong suốt cuộc khủng hoảng do đại dịch năm 2020, ông đã cố gắng nhiều hơn để kiểm soát công ty của mình. Vào mùa thu, Miller, giám đốc sản phẩm quyết định rời đi sau chín năm làm việc; Lütke nhanh chóng tiếp thu trách nhiệm. Bốn giám đốc điều hành cấp cao khác, bao gồm giám đốc công nghệ và giám đốc nhân sự hàng đầu, cũng đã rời khỏi trong vài tháng tiếp theo, khi mối quan hệ xích mích và tình bạn thân thiết trong nội bộ tan rã.
Finkelstein tại văn phòng cũ của Shopify (nay là không gian làm việc online) ở Ottawa vào tháng 11
Lütke cho biết: "Trong tất cả những năm tôi gầy dựng Shopify, mọi người luôn đánh giá thấp tầm quan trọng của Internet và quy mô bán lẻ". Ông muốn tập trung vào việc tiếp tục xây dựng một công ty không bị gò bó bởi bất kỳ địa điểm vật chất nào. Tuy nhiên, điều cấp bách hơn là phải kết nối lại với các giám đốc điều hành cấp cao của Shopify, bao gồm cả một số người mà ông vẫn chưa bao giờ gặp trực tiếp.
Vào mùa thu này, ông mời nhóm quản lý của mình đến Opinicon, một khách sạn và khu nghỉ dưỡng mộc mạc cách nhà ông khoảng 80 km. Những người đứng đầu Shopify đã chơi trò bắn laser vào ban ngày và nói chuyện quanh đống lửa khi đêm xuống. Và lần đầu tiên sau nhiều tháng, giống như những ngày xưa, Shopify không ở mọi nơi, mà ở một địa điểm quen thuộc, ban lãnh đạo tập trung gần Ottawa, Canada.
Tham khảo Bloomberg