Ngày 25-12, tại phiên chuyên đề của Hội thảo du lịch 2021 "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh Nghệ An tổ chức.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, để phục hồi và phát triển ngành du lịch tập trung vào ba vấn đề: An toàn, mở và đồng bộ.
Với vấn đề “mở” Chính phủ có chương trình phục hồi du lịch nhưng không có gì hỗ trợ tốt nhất cho DN lúc này là “mở” để cho DN hoạt động.
Theo ông Siêu, muốn “mở” được thì hàng không phải bay thường lệ, cửa khẩu phải mở để nối lại những đứt gãy. Ngành Ngoại giao vào cuộc để khách đến với điểm đến Việt Nam không phải cách ly, nếu cách ly khách sẽ không đến.
“Chúng ta hỗ trợ DN lúc này là mang thị trường về cho DN mang khách đến cho điểm đến. Tôi nhắc lại cần phải “ mở - mở - mở” -ông Siêu nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ tại hội thảo. ẢNH: Tổng Cục Du lịch
Theo ông Siêu, muốn mở được thì phải có sự đồng bộ giữa các ngành, các địa phương, điểm đến phải mở, phải thông du khách mới đi được.
Chẳng hạn khách du lịch đến Nghệ An không chỉ ở địa phương này mà còn đi Hà Tĩnh, Quảng Bình… Nếu một số địa phương cát cứ, quy định không thông suốt, không thể nối tour thì khách không đến được, có khi khách đến thì không về được. DN mong muốn phải có sự đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương, các ngành.
Ở góc độ DN, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group cho biết, triển khai Nghị quyết 128 theo hướng thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19 thì không nên có rào chắn, chốt chặn ngay cả trong nhận thức của các địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vietravel đề nghị chính sách chống dịch của Bô Y tế cần nhất quán, tránh tình trạng “quay xe” vì một lần DN đầu tư vào thị trường, phát động lại hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch với chi phí rất lớn.
Ông Kỳ dẫn chứng vừa qua theo quy định đón khách của Bộ VHTT&DL cho phép khách vào Việt Nam đi du lịch bảy ngày sau khi đã tiêm hai mũi, kết quả PCR âm tính 72 giờ trước khi lên máy bay không cần cách ly.
Sau khi công ty triển khai chính sách này, đặc biệt đến các thị trường gần như Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc thì thời gian của chương trình du lịch của khách đa phần 4 ngày 3 đêm.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Y Tế quy định lại những người nhập cảnh vào Việt Nam phải tự theo dõi sức khỏe ba ngày, không tiếp xúc với ai tại nơi cư trú. “Điều này làm cho toàn bộ việc xúc tiến, kí kết hợp đồng khai thác khách từ Singapore, Thái Lan của chúng tôi bị phá sản”- ông Kỳ nói.
Du khách tham quan TP.HCM bằng xe buýt hai tầng. ẢNH: K.LUÂN
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện bình thường mới để đảm bảo an toàn cho du khách vào Việt Nam, Bộ đã phối các Bộ, ngành lấy ý kiến một số tỉnh có khả năng thu hút đầu tư du lịch và đã đưa ra giải pháp cụ thể tại công văn 10688 về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh; áp dụng thí điểm từ ngày 1-1-2022.
Theo ông Tuyên, đúng tinh thần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (BCĐ) vừa làm vừa rút kinh nghiệm như ban đầu khi mở lại các chuyến bay nội đia cũng phải thí điểm. Sau khi thấy tốt rồi, điều chỉnh thêm một số giải pháp mới bắt đầu dần mở. Đối với du lịch và người nhập cảnh cũng như vậy.
Do đó, BCĐ đề xuất thí điểm (mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ –PV) từ 15-12 nhưng để không bị động BCĐ quyết định lùi lại từ 1-1-2022.
“Sau đợt thí điểm này Bộ Y tế cùng năm bộ ngành trân trọng tiếp thu ý kiến của các địa phương, các DN lữ hành, lưu trú, hãng hàng không...điều chỉnh làm sao để đưa ra giải pháp tối ưu nhất trong diễn biến dịch hiện nay”-ông Tuyên nhấn mạnh.